Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: trong nền thơ ca Việt Nam nếu chọn câu thơ hay nhất tả cảnh mùa xuân, ta phải chọn: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Cảnh đẹp bởi trước hết Nguyễn Du đã chọn một gam màu tươi tắn, nhẹ nhàng, thanh thoát. Thầy cô giáo hãy cho các em vẽ bức tranh mùa xuân của Nguyễn Du, xong cho học sinh tự nhận xét bàn luận. Hẳn các em sẽ cho tranh của bạn A, bạn B… vẽ không đúng màu của câu thơ. Câu thơ hay còn ở một không gian mênh mông, trải rộng ra trước mắt chúng ta. Tôi sẽ cho điểm mười nếu học sinh nào chọn màu gần giống màu của câu thơ và vẽ màu xanh ấy tràn hết cả tờ giấy vẽ. Nhưng điều tuyệt vời hơn, đó là tâm trạng của người đi chơi xuân. Chị em Thúy Kiều xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê (cập là đến, kê là trâm. Cập kê là cài trâm. Theo kinh lễ (TQ) con gái tới tuổi 15 được cài trâm, tức là đến tuổi người khôn lớn, sắp sửa bước vào tuổi có chồng. Chị em đem cái xuân xanh ấy đi lễ tảo mộ, tham gia Hội đạp thanh (đạp lên cỏ xanh). Trong tâm trạng yêu đời, trong sáng lại đứng trước ngưỡng cửa đón nhận tình yêu, chuyện cỏ non kia như đập vào mắt, vào lòng hai thiếu nữ. Nhưng rồi ngày vui cũng đến lúc tàn, tài tử giai nhân, ngựa xe với người chơi hội như biến mất. Một câu thơ chuyển cảnh: Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dang tay ra về. Tôi cho rằng hai câu thơ này còn tuyệt vời hơn hai câu tả cảnh mùa xuân. Chuyển cảnh một ngày đông vui sang lúc chiều tà vắng lặng, chuyển tâm trạng nao nức sang chuyện bâng khuâng, bồi hồi mà dùng hai chữ tà tà rồi lại thơ thẩn thì quả là thần bút. Cảnh mùa xuân đẹp đã bỏ lại sau lưng, và đây là cảnh trước mắt: Bước dần theo ngọn tiểu khê/ Mà xem phong cảnh có bề thanh thanh/ Nao nao dòng nước uốn quanh/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang/ Sè sè nắm đất bên đàng/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh. Không gian như hẹp lại, nhỏ dần, quanh co theo dòng nước. Một nhịp cầu nhỏ ở cuối ghềnh (một nhịp cầu chứ không phải một chiếc cầu bắc ngang suối lại ở tận cuối dòng…). Tất cả hầu như đối lập: không gian, con người và nhất là màu cỏ úa nửa vàng nửa xanh, một cái gì như sắp tàn, buồn bã, hiu quạnh, thiếu sức sống. Có phải sự đối lập trên Nguyễn Du muốn gắn với cuộc đời Thúy Kiều? Ngày xuân, cuộc sống tươi đẹp của Kiều chóng qua. Buồn bã, tàn tạ sắp đến. Ngay cả ngày đi hội, Nguyễn Du cũng nói rõ: Mùa xuân có 90, thời gian đã trôi qua 60, ngày hội ấy đã bước vào vài ba ngày đầu của tháng ba: Tiết vừa con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi…
Hãy tạm gác lại chuyện Thúy Kiều với Đạm Tiên. Chỉ chú ý riêng về màu sắc. Sau khi khóc lóc số kiếp Đạm Tiên, chị em đang dùng dằng nửa ở về thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa, một chàng thanh niên tuấn tú, khôi ngô con nhà phú hậu lại văn chương nết đất, thông minh tính trời đã hiện ra trước mắt hai thiếu nữ. Chàng đang dắt một con ngựa có sắc trắng như tuyết (chắc Kiều đang nhớ lại màu hoa lê ở cảnh xuân), chàng mặc một chiếc áo nhuộm non da trời. Chàng có phải là tinh anh của đất trời? Chàng phá tan sự ảm đạm chốn mồ mả hoang vắng, ánh lên ánh sáng của hạnh phúc. Chỉ biết màu áo của chàng, hai trăm năm rồi bao người ngẩn ngơ. Nguyễn Tuân khi tả biển màu xanh của Cô Tô đã viết: “cái màu xanh luôn biến đổi của màu nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa chúng tôi đang nổi gió trong lòng. Biển màu xanh như gì nhỉ? Xanh như chuối non? Xanh như chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng, nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết thanh minh”.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)