Thí sinh ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại một “lò” luyện thi ở TP.HCM. Ảnh: A.Khôi |
Vì sao Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đến đâu? Xung quanh các vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
– Trước mắt, đã xong các bước chuẩn bị. Về phía thí sinh, hiện đang đăng ký, còn các trường phổ thông thì đang nhập cơ sở dữ liệu. Theo lộ trình, ngày 30-4 là kết thúc giai đoạn đăng ký. Sau đó bộ sẽ tổng hợp, phân tích, kiểm tra các số liệu. Nói chung việc tổ chức và hệ thống văn bản cơ bản đã hoàn thành.
PV: Thưa ông, vì sao Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa trong khi trước đó bộ cho biết là sẽ công bố?
– Năm ngoái có một số điều chỉnh, ví dụ môn ngoại ngữ có phần thi viết nên cần đề thi minh họa. Năm nay không có thay đổi gì nên không cần thiết phải ra đề thi minh họa.
Năm nay tất cả các tỉnh/thành đều có cụm thi ĐH. Vậy ở các vùng đặc biệt, vùng khó khăn có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
– Năm nay không có khó khăn gì, thậm chí còn thuận lợi hơn vì số lượng thí sinh mỗi cụm thi ít hơn năm ngoái. Cụ thể, số lượng thí sinh năm nay giảm, trong đó có địa phương giảm tới 20%. Đối với những điểm thi có quá ít thí sinh dự thi, Sở GD-ĐT địa phương sẽ có phương án dồn thí sinh để tránh lãng phí.
Hiện nay, có tình trạng một số trường xét tuyển sinh khối thi không liên quan đến ngành đào tạo. Bộ GD-ĐT có nắm được vấn đề này và sẽ xử lý ra sao, thưa ông?
– Bộ GD-ĐT khuyến cáo tất cả các trường thực hiện theo đúng quy định, đó là dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh xét tuyển các khối truyền thống. Đồng thời, các trường có thể đặt ra những khối thi mới phù hợp với yêu cầu của ngành. Tuy nhiên nhà trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Nếu phát hiện trường nào đưa ra khối ngành không phù hợp thì nhà trường phải giải trình với Bộ GD-ĐT.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Thưa ông, khi thành lập nhóm trường tuyển sinh, các trường có phải tuân theo quy định riêng nào không?
– Không có quy định trường nào được đăng ký nhóm cũng như Bộ GD-ĐT không phân biệt trường đó ở tốp nào. Việc có nhiều trường ở nhiều mức khác nhau trong nhóm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là rất thuận tiện cho thí sinh. Bộ khuyến khích mở rộng càng nhiều trường càng tốt. Các trường được tự chủ tuyển sinh nên sau này tự tuyển sinh theo nhóm sẽ rất thuận tiện. Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn đồng ý cho nhóm trường ĐH Đà Nẵng được tuyển sinh năm nay. Ngoài ra, bộ cũng đang khuyến khích các trường ĐH phía Nam, khu vực TP.HCM tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, bộ đã liên hệ với ĐH Quốc gia TP.HCM đứng ra thành lập nhóm, các trường trong đó cũng đang tiến hành. Việc thành lập các nhóm trường trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, vì lợi ích của trường và của thí sinh.
Những nhóm trường thành lập sau có bị muộn không, thưa ông?
– Tôi nghĩ không ảnh hưởng gì đến thí sinh, vì không ảnh hưởng đến học tập, ôn luyện, cách thi của người học. Đến tháng 8, sau khi có kết quả các em mới đăng ký vào các trường.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)