Thời điểm nhân lực Việt Nam hội nhập với Cộng đồng ASEAN chính thức bắt đầu. Các trường ĐH của Việt Nam đã bắt đầu “vào cuộc” (như Giáo dục TP.HCM đã đưa). Về phía “tư lệnh” ngành GD-ĐT đã chuẩn bị cho vấn đề này như thế nào? Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: I.T |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Nguồn nhân lực của Việt Nam có thể hội nhập được trong Cộng đồng kinh tế ASEAN hay không đòi hỏi trước tiên là năng lực, phẩm chất kỹ năng phù hợp với khung tham chiếu ASEAN. Có nghĩa là trình độ ĐH, CĐ, trung cấp của chúng ta đều phải đạt theo chuẩn trong khu vực. Trong nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên, là trình độ tối thiểu mà các trường phải đào tạo được để tương thích với các nước ASEAN. Do đó, khi dịch chuyển ngành nghề trong khu vực, lao động chúng ta được đánh giá ngang bằng và cùng một mức lương với các nước khác. Sinh viên giao lưu quốc tế cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động đã phối hợp trình Thủ tướng khung trình độ quốc gia dựa trên khung tham chiếu của ASEAN. Sắp tới xem xét ban hành. Khung trình độ là thước đo trình độ năng lực của tất cả các cấp tại Việt Nam. Khung trình độ này có 8 bậc, tương thích với các nước ASEAN. Tất cả các trường sau này, xây dựng chuẩn đầu ra phải phù hợp với khung đó. Trước đây, Việt Nam chưa có khung chung nên mỗi trường xây dựng chuẩn đầu ra khác nhau, không thống nhất, còn chệch choạc, giờ chúng ta có khung chung thống nhất nên rất thuận lợi.
PV: Thông tư 07 (quy định khối lượng kiến thức tối thiểu của giáo dục ĐH) với khung trình độ quốc gia có mối quan hệ với nhau như thế nào, thưa ông?
Thông tư 07 là chuẩn tối thiểu trình độ ĐH. Còn khung trình độ quốc gia rộng hơn, ở tất cả các bậc học, các cấp học. Trong khung trình độ quốc gia, bậc 6 là ĐH, bậc 7 là thạc sĩ, bậc 8 là tiến sĩ. Thì Thông tư 07 bám vào 3 bậc cuối cùng.
Bộ đã có quy định chặt chẽ việc này nhưng các trường đổi mới thế nào là chuyện khác. Ngành có giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Khung trình độ quốc gia yêu cầu kiến thức, kỹ năng cần đạt được và đó mới chỉ là những chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu. Để đạt được, các trường phải điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Ví dụ như tăng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Hay như yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Do đó, khi có khung trình độ quốc gia, bắt buộc các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra và phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư trang thiết bị cho phù hợp.
Dư luận cho rằng Thông tư 32 cũng là một giải pháp để Bộ GD-ĐT nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng cũng băn khoăn, liệu với giới hạn quy mô có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh?
Không có quy định nào hạn chế quyền lợi của thí sinh hay giảm ngay chỉ tiêu các trường ĐH. Hiện nay có 18 trường vượt ngưỡng 15.000 sinh viên. Do đó, trong Thông tư 32 có 2 tiêu chí đầu tiên, các trường sẽ xác định chỉ tiêu cho mình. Với 2 tiêu chí này, một số trường sẽ giảm chỉ tiêu tự nhiên. Vì theo Thông tư 57, nhiều trường xác định chỉ tiêu chung của toàn trường, lấy chỉ tiêu ngành này, bù chỉ tiêu ngành kia. Còn theo Thông tư 32, các trường xác định chỉ tiêu theo 7 khối ngành mà Bộ GD-ĐT đã quy định. Nếu giảm tự nhiên nhưng vẫn vượt thì lúc đó bộ sẽ xem xét. Vì chúng ta phải nâng cao chất lượng. Việc hạn chế quy mô không ảnh hưởng đến nhu cầu học tập của sinh viên cũng như sự phân bố dải chất lượng. Vì trên thực tế, số sinh viên vào các trường đã bão hòa do số học sinh THPT không tăng. Nếu mở rộng quy mô nữa cũng không có sinh viên học.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)