Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Vẫn còn nhiều cơ hội cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: M.Tâm

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết vẫn còn nhiều cơ hội cho thí sinh ở những đợt xét tuyển bổ sung. Nhận định về đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay, ông Ga nói:

– Cũng như kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công, đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm 2016 đã diễn ra suôn sẻ, khoa học, an toàn và trật tự. Những quy định được điều chỉnh trong xét tuyển đã phát huy hiệu quả, khắc phục những điểm còn hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2015. Những quy định mới dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi và tôn trọng tối đa sự chọn lựa của thí sinh về phương thức đăng ký xét tuyển, về chọn ngành, chọn trường mình yêu thích, chứ không nhằm tạo điều kiện cho thí sinh “cố” để đậu ĐH bất cứ ngành nào.

Sự thành công đầu tiên của đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay là việc ứng dụng rộng rãi CNTT trong đăng ký xét tuyển và trong xét tuyển. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị rất kỹ về điều kiện kỹ thuật, phần mềm, chạy thử nghiệm nhiều lần trước khi sử dụng chính thức. Nhờ vậy những trục trặc kỹ thuật đã được hạn chế tối đa. Trong suốt quá trình đăng ký xét tuyển và truyền tải dữ liệu, hệ thống chạy ổn định, không xảy ra nghẽn mạng. Thứ hai, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh khi thực hiện đăng ký xét tuyển, theo đó các trường linh hoạt tùy điều kiện của mình quy định những phương thức nhận đăng ký xét tuyển riêng, ngoài quy định chung của bộ. Nhờ vậy việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh diễn ra suôn sẻ, lưu lượng giảm dần vào những ngày cuối, không gây ùn tắc. Thứ ba, kết quả kỳ thi được công khai minh bạch để thí sinh và xã hội được biết, trên cơ sở đó quyết định việc chọn trường, chọn ngành phù hợp. Thứ tư, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các trường trong thu hút những thí sinh chất lượng cao khi trao cho thí sinh quyền lựa chọn thông qua việc nộp giấy chứng nhận kết quả thi. Thứ năm là sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh – truyền hình ở Trung ương và địa phương đã luôn phối hợp rất chặt chẽ, đồng hành cùng với bộ, ngành để chuyển tải các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia nói chung và tuyển sinh ĐH, CĐ nói riêng một cách kịp thời, chính xác đến đông đảo phụ huynh, thí sinh và toàn xã hội.

PV: Thưa Thứ trưởng, thực tế các trường vẫn có khó khăn trong việc tiên lượng số thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn phù hợp. Bộ GD-ĐT có xử lý các trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu không?

– Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh. Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy, đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.

Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong quy chế cũng đã bổ sung nhiều quy định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như đã nói ở trên. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo, nhưng nhiều trường còn do dự về việc này.

Thí sinh đăng kí nhập học tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng vào sáng 16-8. Ảnh: V.Yên

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác. Các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.

Bộ GD-ĐT có lưu ý gì đối với các trường và thí sinh trong các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, thưa Thứ trưởng?

– Đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ĐH đợt 1 phải nhanh chóng nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học. Thời hạn cuối nộp giấy này là hết ngày 19-8. Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung. Ngay cả khi thí sinh trúng tuyển vào một trường cũng phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học. Thí sinh có thể nộp qua đường bưu điện bằng thư phát chuyển nhanh hay nộp theo phương thức khác do trường quy định.

Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 (hay thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường) theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của các trường. Sau ngày 19-8, các trường thống kê số lượng thí sinh chính thức nộp giấy chứng nhận kết quả thi để công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào các ngành cũng như điều kiện nhận đăng ký xét tuyển. Do có thí sinh ảo nên nhiều ngành tuy có số lượng thí sinh đăng ký nhiều trong đợt 1 vẫn có thể tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Do vậy thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội được xét tuyển vào các ngành/trường mà mình yêu thích.

Đối với các trường, Bộ GD-ĐT yêu cầu công khai, minh bạch thông tin xét tuyển, thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn công tác tuyển sinh, đảm bảo đúng thời gian và lịch trình các đợt xét tuyển, không được đặt ra bất kỳ một quy định ngoại lệ nào gây khó cho thí sinh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thiên Lam (thực hiện)

 

Bình luận (0)