Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
"Kết quả đủ độ tin cậy "
Phát biểu tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tổ chức chiều 11.3, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều lần nhấn mạnh đến việc khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. MOET
Cụ thể, ông Thưởng cho rằng phương thức tuyển sinh ĐH được thực hiện theo luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên với thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục ĐH.
"Chúng tôi mong muốn và khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển", ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh: "Đề thi dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em đủ kiến thức nền tảng là có thể đạt điểm tốt nghiệp, đề thi không gây áp lực, không đánh đố. Nhưng để đạt điểm cao, muốn đủ điểm xét tuyển vào trường ĐH thì các em phải có tư duy phân tích, tổng hợp, phải sáng tạo; phải học thực chất. Đề thi sẽ hạn chế tối đa học lệch, học tủ, học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, chất lượng thật".
Do đó, ông Thưởng tiếp tục nhấn mạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp đủ tin cậy và là một trong những phương thức quan trọng cho tuyển sinh ĐH sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội, cho chính các trường ĐH và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
"Nếu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục ĐH để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội sẽ ra sao, có công bằng hay không?", ông Thưởng đặt vấn đề.
Trường đại học muốn đề thi phân hóa hơn nữa
Phát biểu tại hội thảo, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT và một số cơ sở ĐH cũng cho rằng việc ra đề thi và tổ chức thi tốt nghiệp THPT có đủ độ tin cậy để tuyển sinh. Tuy nhiên, một số cơ sở ĐH mong đề có tính phân loại cao hơn.
GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đề nghị đề thi cần có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức, hướng tới năng lực của học sinh hơn nữa vì theo ông, đề thi vẫn quá nhiều câu hỏi về ghi nhớ…
Thống kê của Bộ GD-ĐT về số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển ĐH 4 năm qua. CHỤP TÀI LIỆU
Trước yêu cầu trên, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, khẳng định tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ cao hơn nhưng đề phân hóa hơn không có nghĩa việc ra đề phải khó hơn nữa.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tỷ lệ thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH trong 4 năm qua dao động 40 – 50%. Như năm 2022, có hơn 300.000 trong số hơn 620.000 thí sinh xét tuyển ĐH dùng điểm thi tốt nghiệp, chiếm 48,59%; năm 2023 tỷ lệ này là 41,44%.
Đặc biệt, khối ngành sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào cao đều dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, Trường ĐH Y Hà Nội dành khoảng 80% xét hoàn toàn bằng điểm thi. Với 20% chỉ tiêu còn lại, trường vẫn xét bằng điểm 3 môn thi tốt nghiệp, nhưng giảm 2 điểm chuẩn cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)