Sáng 18-3, Đoàn công tác Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại huyện Bình Chánh. Đi cùng đoàn có Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành (Bộ GD-ĐT); Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cùng đại diện các phòng, ban của Sở.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc triển khai Chương trình mới tại TP.HCM
Tại huyện Bình Chánh, đoàn đã dự giờ các tiết học thực tế tại 2 trường là TH Phong Phú 2 và THCS Phong Phú. Đồng thời, kiểm tra tình hình về triển khai kế hoạch dạy học, kế hoạch nhà trường của các đơn vị.
Báo cáo đến đoàn công tác về tình hình triển khai thực hiện Chương trình, SGK theo Chương trình GDPT 2018 đối với bậc lớp 1 năm học 2020-2021 tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện) cho hay, công tác đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn huyện Bình Chánh luôn được sự quan tâm song do dân số tăng cơ học khá cao dẫn đến số học sinh hàng năm khoảng trên 4.000 học sinh ở các cấp, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường còn khá cao so với quy địn, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày còn thấp ở các cấp. Toàn huyện có 37 trường TH, 18 trường THCS. Để triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành GD-ĐT huyện đã có sự chủ động, nỗ lực, đội ngũ giáo viên được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình, cơ sở vật chất được đầu tư quan tâm..
Mặc dù vậy, ông Dũng cũng cho biết, quá trình thực hiện Chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn trước nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian tựu trường muộn hơn so với những năm học trước khoảng 2 tuần, học sinh lớp 1 chỉ có thời gian ngắn để làm quen với trường, lơp, thầy cô, bạn bè. Việc chuẩn bị tâm lý và trang bị những kỹ năng cần thiết cho học sinh trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có nhiều hạn chế, đặc biệt là những trường có sĩ số học sinh đông. Cạnh đó, những khó khăn còn đến sự hợp tác của phụ huynh, khó khăn khi tiếp nhận kênh hình kênh chữ của học sinh. Đặc biệt,toàn huyện còn có 7 trường TH tổ chức dạy học 5 buổi/tuần do sĩ số học sinh đông…
Thông tin thêm đến đoàn công tác về kết quả triển khai Chương trình mới tính đến thời điểm này, ông Dũng nhận định, so với chương trình cũ, chất lượng bộ môn Tiếng Việt và Toán của chương trình mới có sự cả thiện, có chiều hướng tăng nhẹ dù bước đầu còn lúng túng. “Để triển khai chương trình mới ở bậc lớp 2, lớp 6, ngành đã chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên đủ chuẩn, đảm bảo yêu cầu, cử giáo viên tập huấn đầy đủ. Đặc biệt, với lớp 6 giáo viên đã nắm thêm tâm tư đối tượng học sinh lớp 5, tiếp cận thêm với chương trình ở bậc lớp 5 vì có sự chuyển giao giữa 2 chương trình”, ông Dũng cho hay.
Xuyên suốt buổi làm việc, đoàn công tác đã lắng nghe các ý kiến trao đổi, góp ý từ quá trình triển khai Chương trình, SGK mới ở bậc lớp 1 và lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình ở bậc lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 tại địa phương, đơn vị. Trao đổi với địa phương và giáo viên sau chuyến thăm và làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ, năm học 2020- 2021 là năm học đặc biệt, đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 sau 6 năm chờ đợi, mang lại hiệu quả cho học sinh. Từ báo cáo của đơn vị, Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần chủ động triển khai kỹ càng của các đơn vị, từ đó làm chủ được việc thực hiện chương trình. Kết thúc năm học 2020-2021, Bộ sẽ tổ chức tổng kết đánh giá lại quá trình thực hiện Chương trình mới ở bậc lớp 1 để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thực hiện tốt hơn cho năm học tới.
“Việc chuẩn bị Chương trình mới lớp 2, lớp 6 còn nhiều khó khăn. Với lớp 2 có vẻ dễ dàng hơn vì các nhà trường đã có sự làm quen từ năm trước, còn lớp 6 là hoàn toàn mới, từ khâu chọn sách, giáo viên, cơ sở vật chất. Do vậy, các nhà trường nếu càng chuẩn bị nghiêm túc thì khi triển khai càng thu được kết qủa tốt. Cốt lõi của chương trình mới là chuyển từ nền giáo dục chú trọng kiến thức sang một nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện học sinh, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Từ quá trình dự giờ một tiết Toán của học sinh lớp 1/6, Trường TH Phong Phú 2, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ sự vui mừng khi tiết học diễn ra sôi nổi, vui vẻ với nhiều hoạt động trò chơi đan xen, học sinh mạnh dạn tự tin trong tiếp thu bài. “Rõ ràng là học sinh và giáo viên đã bắt nhịp được với chương trình mới, tiết học có sự đổi mới, sinh động từ các trò chơi cho đến sắm vai, khơi gợi được sự hứng thú của học sinh”, Thứ trưởng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã luôn có sự quan tâm, ưu ái đặc biệt dành cho TP.HCM. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết, TP.HCM đang chỉ đạo tổng kết quyết định 02 /2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM về quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020, duy trì thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Hiện tại, toàn TP đã đạt được 292 phòng học/10.000 dân. Tuy nhiên ngành đang theo dõi sát từng quận, huyện có những địa phương quy hoạch dân cư gây khó khăn trong quy hoạch trường lớp… Về bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị thực hiện Chương trình mới ở lớp 2, 6, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho hay ngành đã đã làm việc với ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, làm tiền đề tốt nhất thực hiện Chương trình mới, SGK mới.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Thutruong1, Thutruong2:
Bình luận (0)