Giáo dục ĐH không chỉ đơn thuần trang bị kiến thức mà phải “thổi bùng” lên khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên; nhất là ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách” được tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM.
Khởi nghiệp đã được chú ý nhưng chưa tạo đột phá
Thông tin từ hội thảo cho thấy, hiện cả nước có hơn 200 trường ĐH, viện nghiên cứu đã triển khai các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã xây dựng được các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH của nước ta.
Nếu năm 2003, phong trào khởi nghiệp trong các trường ĐH lần đầu tiên được phát động chỉ thu hút rất ít sự tham gia thì hiện nay hoạt động này tại các trường đã được chuyển sang một giai đoạn mới, hiệu quả và thực chất hơn. Các trường ĐH đã có nhiều giải pháp triển khai hoạt động khởi nghiệp; các yếu tố đổi mới sáng tạo, cải tạo xã hội đã được gắn với những hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên. 100% cơ sở giáo dục ĐH ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giảng viên và người học góp phần hình thành phát triển văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gần 30% cơ sở giáo dục ĐH hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng các cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học đạt 58%.
Đến nay, cả nước cũng có 110 cơ sở giáo dục ĐH đã hình thành không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô khác nhau nhằm tạo môi trường cho sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng; phát triển đội ngũ giảng viên, hình thành mạng lưới đội ngũ tư vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng dự án và doanh thu từ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên ngày càng tăng. Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ 7 cơ sở giáo dục ĐH chuyển giao 10 dự án kinh doanh tạo tác động xã hội cho các địa phương với tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng. Song bên cạnh đó, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở đào tạo hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu. Những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng bộ, các cơ chế chính sách vẫn chưa đi vào chiều sâu, cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp còn rất hạn chế… dẫn đến kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự tạo đột phá.
Khơi dậy, “thổi bùng” khát vọng trong sinh viên
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. “Nếu như giáo dục phổ thông trang bị kiến thức thì giáo dục ĐH phải khơi dậy khát vọng nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp trong tương lai. Nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, giáo dục ĐH không chỉ đơn thuần trang bị kiến thức mà phải “thổi bùng” lên khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo trong sinh viên” – Thứ trưởng nói.
Để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng cho rằng, sinh viên cần tích lũy, xây dựng nền tảng kiến thức. Các em cần học mọi lúc, mọi nơi; phải có những thói quen tốt cũng như hình thành nếp sống, tinh thần kỷ luật cao để sau này tạo được những giá trị, phẩm chất tốt. Sinh viên cần biết, 90% khởi nghiệp là thất bại. Con số 10% sinh viên khởi nghiệp thành công chính là đã… thành công. Và khởi nghiệp thất bại cũng là những kinh nghiệm vô cùng quý giá để các em hoàn thiện bản thân. Trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên, Thứ trưởng đánh giá, người thầy có vai trò dẫn dắt, định hướng và các trường ĐH phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; ở đó có những vườn ươm, trung tâm, mô hình khởi nghiệp, có sự liên kết doanh nghiệp, nhà trường và cộng đồng…
Thứ trưởng cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Khoa học – Công nghệ cùng nhiều đơn vị hữu quan để có những hoạt động thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong mỗi người dân. Vai trò dẫn dắt trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nằm ở giảng viên, sinh viên, cơ sở giáo dục ĐH, các trung tâm nghiên cứu vì đây là lực lượng đang sở hữu nguồn lực trí tuệ lớn.
M.Tâm
Bình luận (0)