Sự kiện giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc: Theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện mô hình trường học hạnh phúc tại TP.HCM sáng 29-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao vai trò tiên phong, sáng tạo và thực chất của TP.HCM trong triển khai mô hình. Đồng thời nhấn mạnh, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá, trong 1 năm qua, TP.HCM đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong triển khai mô hình trường học hạnh phúc. TP tổ chức tới 3 hội thảo chuyên sâu để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục mà còn xây dựng được bộ tiêu chí gồm 3 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí quan trọng. Những tiêu chí được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với đặc thù của TP, bám sát định hướng từ TW.

Ông khẳng định, đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự bài bản và tâm huyết của ngành giáo dục TP.HCM trong xây dựng nền tảng giáo dục nhân văn, tiến bộ. Kết quả triển khai trong 1 năm qua tại TP đã tạo nên những chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh, phụ huynh. Các trường học tại TP không chỉ là nơi truyền tải kiến thức, kỹ năng mà đã từng bước trở thành ngôi nhà thứ 2 thật sự hạnh phúc. Chính tại nơi đây, mỗi học sinh được tôn trọng sự khác biệt, được cảm nhận sự yêu thương và sẻ chia từ bạn bè, thầy cô, được hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, tinh thần. Tại đây, mỗi ngày đi học là một ngày vui cho cả học sinh, cán bộ, nhân viên, giáo viên…

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, bộ đã xây dựng định nghĩa 3 giá trị cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, bao gồm: Yêu thương, an toàn, tôn trọng dựa trên bộ 22 tiêu chí trong mô hình trường học hạnh phúc của UNESCO. Đến nay, giáo dục Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực nhất định trong nỗ lực thực hiện hóa mô hình trường học hạnh phúc. TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng trường học hạnh phúc, sau đó các địa phương tiếp bước triển khai…

“Nếu muốn thấy một xã hội hạnh phúc thì cần những trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc không là khẩu hiệu mà là cam kết mạnh mẽ của ngành giáo dục trong việc xây dựng một môi trường, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều được phát triển toàn diện không chỉ về trí tuệ mà còn về cảm xúc, nhân cách. Đây là mục tiêu phù hợp với xu thế toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu.

Để trường học hạnh phúc phát huy hiệu quả, lan toả rộng hơn, Thứ trưởng đề nghị TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, hoàn thiện các tiêu chí, tổ chức thêm hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trên cả nước. Mong muốn mỗi giáo viên, cán bộ quản lý xem xây dựng trường học hạnh phúc là trách nhiệm và là cơ hội để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

“Trường học hạnh phúc là một nội dung rất đặc biệt, rất hay song cũng rất khó thực hiện. Các tiêu chí đòi hỏi phải được triển khai một cách bài bản, tránh tình trạng thực hiện mang tính hình thức hoặc đánh giá theo lối hành chính. Trong năm qua, TP.HCM đã làm rất tốt điều này, thể hiện sự nghiêm túc, thực chất trong cách triển khai. Tôi đề nghị TP.HCM phát huy tinh thần này, duy trì và nhân rộng các giá trị cốt lõi, đảm bảo rằng mô hình trường học hạnh phúc không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực” – lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị.

Các tập thể trường học được khen thưởng xây dựng tốt trường học hạnh phúc​

Theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn, với giáo dục Việt Nam những năm tháng triển khai mô hình trường học hạnh phúc là một hành trình dài của sự bứt phá, học hỏi, thử nghiệm, thay đổi. Yếu tố để đạt được kết quả ban đầu nằm ở niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta không đánh đổi hạnh phúc của học trò với chất lượng giáo dục.

Ông nêu rõ, học tập hạnh phúc không phải là học ít hơn mà là học trong sự thích thú, tò mò sáng tạo, sự hạnh phúc và trân trọng kiến thức. Do đó, theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục. Thành tựu học tập không hề mâu thuẫn với mức độ hạnh phúc, việc ưu tiên hạnh phúc trong giáo dục không phải một điều xa xỉ cần đánh đổi với chất lượng giáo dục.

“Một người học hạnh phúc sẽ tự nuôi dưỡng niềm yêu thích, hứng thú với học tập, sẽ có ý thức, động lực xây dựng thói quen tự giác học tập suốt đời, mọi lúc, mọi nơi, từ đó hình thành và kiến tạo những thế hệ tương lai không chỉ giỏi kiến thức, đạt thành tích cao trong học tập mà còn là những con người sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng…” – Thứ trưởng Phúc gợi mở, đồng thời cho biết Bộ GD-ĐT cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để TP và các địa phương triển khai mô hình trường học hạnh phúc bền vững. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến, xây dựng thêm nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình.

TP.HCM có thể trở thành tấm gương mới cho giáo dục không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam khẳng định, sáng kiến trường học hạnh phúc của Sở GD-ĐT TP.HCM phát động hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ toàn cầu của UNESCO về trường học hạnh phúc cũng như sự hợp tác của UNESCO với Việt Nam trong thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng, chất lượng cho tất cả mọi người…

“Tôi tin tưởng rằng Sở GD-ĐT TP.HCM với cam kết hướng đến sự xuất sắc và đổi mới, sẽ là động lực thúc đẩy xây dựng ngôi trường hạnh phúc trên toàn TP… Bằng cách áp dụng tiếp cận của UNESCO và triển khai cụ thể, TP.HCM có thể trở thành tấm gương mới cho giáo dục không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Và điều này phù hợp với cam kết của TP với tư cách là thành viên mạng lưới TP học tập toàn cầu của UNESCO, những ngôi trường hạnh phúc sẽ đào tạo nên những học sinh yêu thích học tập và trở thành những người học suốt đời, cũng như giáo viên luôn vui vẻ, tiếp tục giảng dạy và học tập trong suốt cuộc đời…” – Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam tin tưởng.

Xây dựng trường học hạnh phúc là hành trình tiếp mãi, không có điểm dừng

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện mô hình trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM, bà Cao Thị Thiên Phúc – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP thông tin, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai có quy mô bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: Về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường. Năm học 2023-2024, 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng trường học hạnh phúc nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Với TP.HCM trường học hạnh phúc là hành trình không có điểm dừng

Theo bà Phúc, việc xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc và triển khai hiệu quả tại trường học TP.HCM là hết sức cần thiết và quan trọng trong môi trường giáo dục hiện nay. Đây là ước mơ, khát khao của tất cả mọi người; là quá trình lâu dài, đòi hỏi thầy, cô thay đổi – học sinh thay đổi – phụ huynh thay đổi – xã hội thay đổi – cùng nhau thay đổi vì trường học hạnh phúc.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá việc triển khai trường học hạnh phúc của TP.HCM càng có ý nghĩa khi TP được UNESCO vinh danh là TP học tập toàn cầu, mỗi cơ sở giáo dục trở thành trường học hạnh phúc sẽ thúc đẩy quá trình dạy và học trở thành hoạt động tự thân, thúc đẩy tự chủ trong học tập, mong muốn được thay đổi nghề nghiệp và được học tập suốt đời.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị

Theo ông, xây dựng trường học hạnh phúc không hề đi ngược lại với các tiêu chí nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, khi xây dựng trường học hạnh phúc không thêm việc, không tốn thêm công sức của thầy cô mà là hành trình đồng hành với quá trình xây dựng chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Ông đề nghị mỗi nhà trường chủ động xây dựng, triển khai thực hiện và tự đánh giá về trường học hạnh phúc. Trong đó, không hành chính hóa xây dựng trường học hạnh phúc, không so trường này với trường kia mà phải xem việc xây dựng trường học hạnh phúc là công việc hàng ngày. Mỗi cán bộ quản lý cần vì hạnh phúc của đội ngũ, hạnh phúc của học sinh cùng tạo ra một trường học hạnh phúc, xem trường học hạnh phúc là nền tảng, tế bào của xã hội để cùng hướng đến.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: Sở GD-ĐT đặt vấn đề rằng trường nào đạt được trường học hạnh phúc mà là trường học cải thiện đến đâu, hôm nay thầy cô làm được bao nhiêu điều cho học sinh mình, ngày mai lại làm bao nhiêu điều nữa…

“Xây dựng trường học hạnh phúc là hành trình tiếp mãi, không có điểm dừng. Tôi mong mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cùng đồng hành với Sở GD-ĐT để cùng triển khai sâu, rộng, có chất lượng trường học hạnh phúc. Những tiêu chí nào thấy còn chưa phù hợp thì cần điều chỉnh để sát hơn, lắng nghe thực tế triển khai từ các trường để có sự điều chỉnh” – ông Hiếu gửi gắm.

6 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng trường học hạnh phúc trong năm học 2024-2025

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin về 6 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng trường học hạnh phúc

Để thực hiện mô hình trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục tại TP.HCM, từ năm học 2024-2025 đến năm học 2025-2026, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, TP.HCM đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm:

  • Thực hiện thực chất, hiệu quả bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc.
  • Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc.
  • Nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc.
  • Thực hiện tốt công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Phối hợp chặt chẽ với CMHS, tổ chức đoàn thể để xây dựng trường học hạnh phúc có hiệu quả.
  • Thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng.
  • Đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện Trường học hạnh phúc trên địa bàn TP.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)