Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông càng cấp bách hơn bao giờ hết, từ chương trình, sách giáo khoa đến hình thức kiểm tra thi cử; nhưng lưu ý, học sinh đang theo chương trình hiện hành nên cần có độ giao điểm, giao thời nhất định.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, các vấn đề liên quan đến công tác đề thi, đổi mới thi cử, phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao… được đề cập rất nhiều. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đã có những trao đổi xoay quanh các nội dung đó.
Dự báo trước diễn biến phức tạp của việc gian lận bằng công nghệ cao
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được tổ chức thành công, nghiêm túc, đúng quy chế. Thành công này thể hiện trước tiên ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Kỳ thi được quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, một trong những điểm nổi bật là chúng ta đã kịp thời dự báo những thuận lợi và khó khăn cho kỳ thi. Đặc biệt, cùng với Bộ Công an, năm nay đã dự báo được diễn biến phức tạp của việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử.
Thứ hai, công tác phối hợp trong kỳ thi cũng thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, bộ, ngành. Thứ 3, các địa phương đã chủ động cao trong chuẩn bị tổ chức thi, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Thứ tư, công tác an ninh, an toàn được đảm bảo, trong đó có vai trò chủ động rất lớn của lực lượng công an. Thứ 5, công tác tuyên truyền từ địa phương đến Trung ương, cơ quan báo chí… hết sức kịp thời; trúng, đúng những vấn đề xã hội quan tâm…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được cũng xảy ra những sự việc đáng tiếc, trước hết là 41 trường hợp vi phạm quy chế thi, trong đó, có 40 trường hợp dùng điện thoại nhằm mục đích gian lận và nguy cơ phát tán đề thi rất cao. Có hai trường hợp đã phát tán đề thi ra ngoài, đây là những trường hợp cá biệt rất đáng tiếc.
Thứ trưởng cho rằng, cùng với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm thì năm nay, chúng ta có đổi mới trong quy trình, từ quy trình đề thi cho đến lựa chọn cán bộ. Đề thi có hội đồng, các ban, có giới thiệu, tổ hợp, phản biện. Thành viên tham gia ban đề thi các môn được lựa chọn từ những giáo viên có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực; từ giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp để sát với thực tiễn năng lực, trình độ của học sinh, cân đối cả các giáo viên ở những vùng miền khác nhau đến giảng viên ĐH để đảm bảo tính chính xác khoa học và toàn diện của kiến thức. Do vậy, Thứ trưởng đánh giá, đề thi năm nay có độ tin cậy cao, đảm bảo các yêu cầu về cấu trúc, mức độ nhận biết, thông hiểu và văn hóa.
Những ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, nhà giáo lão thành, các văn nghệ sĩ liên quan đến đề thi, Bộ GD-ĐT hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ công tác chuyên môn. Qua đó, Thứ trưởng cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông càng cấp bách hơn bao giờ hết và hết sức cần thiết từ chương trình, sách giáo khoa đến hình thức kiểm tra thi cử. “Còn về cấu trúc đề thi, nội dung, cần lưu ý là học sinh hiện nay đang thực hiện theo chương trình hiện hành nên cần có độ giao điểm, giao thời nhất định, không thể hoàn toàn theo ngay chương trình đổi mới được” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lộ trình đổi mới đề thi phù hợp, tránh gây sốc cho học sinh
Liên quan đến vấn đề các phóng viên đặt ra là thời điểm phân cấp về các tỉnh để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tương lai, theo Thứ trưởng, đến hiện tại Bộ GD-ĐT chưa tính tới. Thứ trưởng lý giải, hiện chúng ta vẫn thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả) với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ, việc mỗi tỉnh ra đề có mức độ khó dễ khác nhau liệu có đảm bảo sự công bằng? Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, khi thời gian và điều kiện đảm bảo phân cấp được, vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, công bằng, khách quan thì sẽ tiếp tục tính toán vấn đề này.
Thiếu tướng Trần Đình Chung (Phó Cục trưởng Cục A03, Bộ Công an) thông tin, qua việc hai thí sinh chụp ảnh đề thi gửi ra người bên ngoài, đến nay xác minh thấy không có lời giải được gửi vào nên không làm ảnh hưởng đến kỳ thi. Quan điểm về xử lý hai thí sinh vi phạm nói trên, ông Chung cho biết, sẽ căn cứ vào kết quả xác định, đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, cũng như xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ và đặc biệt căn cứ vào hành vi, nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự; nếu không thì sẽ xử lý hành chính. Đối với trường hợp này, Bộ Công an sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh và công bố kết quả.
|
Riêng về vấn đề đổi mới đề thi, PGS.TS Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dần tiến đến kết thúc đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chuyển qua Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Do vậy, chúng tôi cân nhắc tham mưu với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, với Chính phủ về lộ trình phù hợp nhất, tránh gây sốc cho học sinh”.
Theo ông Chương, địa phương hiện nay đã được phân cấp 4 nhóm vấn đề là: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, đánh giá xét công nhận tốt nghiệp. Ra đề thi hiện là khâu khó nhất hiện nay để đảm bảo cho một diện rộng chung, tính công bằng, tính đồng đều giữa các vùng miền, đánh giá diện rộng chất lượng dạy và học giữa các vùng miền. Bộ chịu trách nhiệm để đảm bảo thuận lợi nhất cho các tỉnh thành.
Cùng với việc chấm thi đã bắt đầu triển khai từ 30-6, ông Chương cho biết thời gian tới bộ sẽ tăng cường công nghệ thông tin để hỗ trợ tốt nhất cho một thời điểm mà trên 1 triệu lượt thí sinh truy cập; triển khai xét tốt nghiệp kịp thời vào 20-7 để các em có giấy chứng nhận phục vụ đăng ký xét ĐH, vào giáo dục nghề nghiệp.
Việt Ngân
Bình luận (0)