Khi áp dụng tiêu chí mới của Bộ Xây dựng về sàn giao dịch bất động sản (từ ngày 1-1-2009) sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khá gay gắt , tạo tiền đề cho một thị trường minh bạch. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
PV: Thưa ông mục đích của việc xây dựng sàn giao dịch bất động sản theo tiêu chí mới là gì?
Ông Nguyễn Trần Nam: Thị trường bất động sản của chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển, trong 6 tháng đầu năm 2008 tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam lên đến 31,6 tỷ đồng thì lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6 tỷ USD (chiếm 60%, tại TP.HCM lĩnh vực này chiếm khoảng 70%). Như vậy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá rất cao về thị trường này, tôi cho rằng những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, trước mắt. Tuy nhiên một trong những yếu kém của thị trường bất động sản là tính minh bạch chưa cao. Chúng ta có nhiều luật, quy định về vấn đề liên quan như Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai… Nhưng nhiều vấn đề quy định còn chưa rõ ràng, còn thiếu, đôi khi chưa đúng với thực tiễn. Do đó hiện nay giao dịch bất động sản còn thiên về giao dịch ngầm, người mua và người bán chưa trực tiếp gặp nhau mà phải qua nhiều đầu mối trung gian. Điều này không tốt cho cả người mua, người bán và cả thị trường nói chung. Mục tiêu của việc bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, xây dựng sàn bất động sản theo tiêu chí mới là tăng tính minh bạch, công khai để thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, tiêu chí “sàn” của Bộ đưa ra quá cao, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng?
– Trước khi đưa ra các quy định về sàn giao dịch chúng tôi cũng đã khảo sát nghiên cứu rất kỹ, nhất là về mặt bằng, lúc đầu có ý kiến cho rằng quy định mặt bằng phải lên đến 1000 m2 nhưng sau thấy không ổn, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vốn rất khan hiếm về mặt bằng nên mới đưa ra quy định như bấy giờ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay TP.HCM có gần 2.000 văn phòng giao dịch bất động sản. Tuy nhiên thực tế đảm bảo được các quy định của Bộ xây dựng chỉ có vài chục. Có nơi nói là sàn giao dịch nhưng diện tích chưa đến chục mét vuông, cái bàn cái ghế, một vài nhân viên… Khi đưa ra các quy định về sàn giao dịch buộc các doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình, có quá trình đào thải nếu doanh nghiệp nào đảm bảo về tiềm lực tài chính, chuyên nghiệp, uy tín thì tiếp tục phát triển ngược lại sẽ bị đào thải. Việc xây dựng sàn giao dịch theo chuẩn mới cũng là cách đem lại niềm tin cho khách hàng. Nếu khách hàng đến giao dịch tại một nơi có cơ sở vật chất khang trang, mọi thứ đều công khai minh bạch, đội ngũ chuyên nghiệp sẽ đem lại cảm giác yên tâm hơn chứ?
Nhưng nếu doanh nghiệp có sản phẩm nhưng không giao dịch qua sàn, sẽ bị chế tài như thế nào?
– Theo quy định các doanh nghiệp có sản phẩm muốn bán phải thông qua sàn giao dịch. Để chế tài những doanh nghiệp không tuân thủ quy định này, vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật đăng ký bất động sản để xem xét thông qua. Khi đó, sản phẩm được giao dịch thông qua sàn mới được cơ quan chức năng bảo hộ như cấp giấy chứng nhận, “sổ hồng” “sổ đỏ”… Lúc đó nếu không cần chế tài thì buộc doanh nghiệp cũng phải giao dịch tại sàn mới có khách hàng.
Các doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn chứng khoán phải qua rất nhiều thủ tục để công khai hóa “sản phẩm” của họ. Trong khi đó bất động sản khi “lên sàn” đôi khi chỉ mới xong phần móng?
– Thực ra để sản phẩm được giao dịch trên sàn, trước đó dự án đã phải trải qua rất nhiều thủ tục về mặt pháp lý, kỹ thuật để dự án được triển khai như quyết định giao đất, phê duyệt quy hoạch, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật… Đó là chưa kể sắp tới Bộ sẽ ban hành quy định các dự án căn hộ, nhà ở phải có nhà mẫu xem đó như là cam kết về kiểu dáng, chất lượng của nhà đầu tư với khách hàng. Tôi cho rằng đấy là những điều kiện cần để sản phẩm bất động sản được “lên sàn”. Nếu sau khi thu tiền của khách hàng mà chủ đầu tư thực hiện những gì cam kết thì khách hàng có thể kiện ra tòa.
Theo ông về lâu dài chúng ta có nên xây dựng về chỉ số cho thị trường bất động sản để tránh tình trạng nhập nhằng giá cả như hiện nay?
– Lâu nay chúng ta đánh giá thị trường bất động sản chủ yếu dựa vào cảm tính mà chưa căn cứ vào những số liệu cụ thể nào. Việc xây dựng chỉ số về bất động sản căn cứ vào khả năng sinh lợi, chất lượng, hạ tầng kỹ thuật, xã hội… để đưa ra chỉ số khách quan là hết sức cần thiết. Hiện nay Bộ Xây dựng đang khảo sát, nghiên cứu để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên tôi cho rằng, thị trường bất động sản khá phức tạp, chuyển biến từ trạng thái này (nóng) sang trạng thái khác (lạnh hoặc ngược lại) là cả một thời gian do đó việc xây dựng chỉ số cũng là việc khó khăn.
Xin cám ơn ông.
Đỗ Trà Giang
Bình luận (0)