Trường ĐH Công thương TP.HCM cần tiến hành ngay việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển theo từng giai đoạn để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành trường ĐH định hướng ứng dụng, đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư vào những ngành nghề trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi lễ
Sáng 8-7, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tham dự lễ công bố và trực tiếp trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thành Trường ĐH Công Thương TP.HCM.
Năm nhiệm vụ khi trường đổi sang tên mới
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, thương hiệu Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã được xây dựng hơn 40 năm. Quá trình tuyển sinh đào tạo, sinh viên các khóa đã ra trường làm việc nhiều nơi trên cả nước và đã khẳng định được năng lực nghề nghiệp, từ đó giúp tạo dựng được phần nào uy tín, thương hiệu của trường.
Thứ trưởng cho biết, tại thời điểm thành lập, trường mang tên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là phù hợp với tên trường CĐ cũ và phù hợp sứ mệnh, định hướng của mình. Tuy nhiên, tên gọi chỉ thể hiện rõ lĩnh vực đào tạo là công nghiệp thực phẩm trong khi đó hiện nay trường đã đào tạo đa ngành và cụm từ “công nghiệp thực phẩm” đã tạo ra sự hiểu nhầm là trường chỉ đào tạo lĩnh vực này; các ngành khác sẽ không được đánh giá cao, gây khó khăn cho các em khi tốt nghiệp.
“Tên gọi mới không chỉ góp phần định hướng ngành nghề đào tạo chính của trường mà còn định hướng cho sự phát triển của đơn vị; góp phần thu hút người học trong tương lai. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để những đơn vị sử dụng lao động lĩnh vực công thương tuyển chọn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ và chất lượng phù hợp với doanh nghiệp; từ đó thể đóng góp công sức, chất xám vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, để Trường ĐH Công thương TP.HCM duy trì hoạt động ổn định, phát triển theo những định hướng đã đặt ra sau khi đổi tên, Thứ trưởng đề nghị trường tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, trường cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để duy trì liên tục các hoạt động, không làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến những hoạt động chung của trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến người học.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (thứ hai từ phải sang) trao quyết định về việc đổi tên cho đại diện Trường ĐH Công thương TP.HCM
Thứ hai, trường cần tiến hành ngay việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển theo từng giai đoạn để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu phát triển thành trường ĐH theo hướng ứng dụng, đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư vào những ngành nghề trọng điểm.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về thương hiệu cũng như các chương trình đào tạo của trường. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện, mở mới các chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ năm, trường cần phát huy hiệu quả tự chủ ĐH, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giữ vững đoàn kết vì sự phát triển bền vững, thực hiện tốt giá trị cốt lõi đã đề ra là “nhân văn, đoàn kết, tiên phong đổi mới”.
Đổi tên trường để phù hợp định hướng phát triển
Được biết, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM thành lập năm 2010 trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Trong đào tạo, trường luôn gắn việc phát triển quy mô, ngành nghề với yêu cầu về nguôn nhân lực chất lượng cao cho ngành công thương trên địa bàn TP.HCM, khu vực phía Nam và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn nhất định.
Trong giai đoạn 2010 đến 2023, trường đã và đang tổ chức tuyển sinh, đào tạo 13 khóa ĐH chính quy, 6 khóa thạc sĩ, 2 khóa tiến sĩ. Tính đến tháng 6 năm nay, trường đã đào tạo được gần 60.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ… Tổng số viên chức, người lao động hiện nay tại trường là 765 người; trong đó có 585 giảng viên. Trình độ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm gần 40%. Trường đang tuyển sinh và tổ chức đào tạo 33 ngành trình độ ĐH, 10 ngành trình độ thạc sĩ và 6 ngành trình độ tiến sĩ. Trong số đó, có 29 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.
Nói về lý do đổi tên trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM) cho biết, tại thời điểm nâng cấp trở thành trường ĐH, tên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM kế thừa định hướng phát triển của trường CĐ, có tầm nhìn và sứ mạng phù hợp với mô hình trường ĐH định hướng ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đào tạo chuyên sâu về công nghiệp thực phẩm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tên trường là một hạn chế không nhỏ, không còn phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng phát triển… Trong khi thực tiễn hơn 13 năm qua, trường đã đào tạo 33 ngành, 11 lĩnh vực khác nhau. Tên gọi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tạo ra sự hiểu nhầm của xã hội rằng trường chỉ đào tạo về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, từ đó, trường gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo.
Cũng theo ông Hoàn, tên gọi mới của trường hoàn toàn không trùng với tên gọi của bất kỳ trường ĐH nào đang hoạt động hiện nay trên cả nước, kể cả bằng tên tiếng Anh vì vậy, sẽ tạo thuận lợi cho phát triển. Tên mới phù hợp với định hướng phát triển của trường, thể hiện được việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm về các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay.
Mê Tâm
Bình luận (0)