- 1 Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi: Tư vấn hướng nghiệp, việc làm là khởi đầu của hành trình khởi nghiệp
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, tư vấn hướng nghiệp và việc làm là vấn đề mấu chốt, khởi đầu của hành trình khởi nghiệp. Tư vấn tại thời điểm học sinh đang học phổ thông chính là trao “chìa khóa” để các em mở cánh cửa cuộc đời kịp thời và chính xác.

Ngày 19-4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ ngày hội “Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” lần thứ VII do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM tổ chức, đang sôi nổi diễn ra tại TP.HCM.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhận định, năm 2025 là thời điểm mang tính chuyển đổi sâu sắc, đánh dấu một hành trình đổi mới tư duy và hành động của thế hệ trẻ.
Thứ trưởng cho rằng, tư vấn hướng nghiệp và việc làm là vấn đề mấu chốt, là điểm khởi đầu của hành trình khởi nghiệp. Việc tư vấn hướng nghiệp, việc làm tại thời điểm học sinh đang học phổ thông chính là trao “chìa khóa” cho các em mở cánh cửa cuộc đời kịp thời và chính xác.
“Đến thời điểm này, nước ta đã hoàn thành giai đoạn đầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cốt lõi của chương trình giáo dục này là phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, thực sự trao đến 1 phương thức thay cho việc truyền thụ kiến thức” – Thứ trưởng đánh giá.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong suốt thời gian qua, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đồng hành với đề án “Hỗ trợ học sinh – sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Học sinh từ hàng ngàn cơ sở giáo dục THPT trên khắp cả nước đã cùng tham gia đóng góp rất nhiều sản phẩm sáng tạo vào đề án.

Thứ trưởng khẳng định, bậc học phổ thông chính là thời điểm vàng, cơ hội để khởi nghiệp và thành công sau này. Nếu như chương trình tiểu học hình thành những kỹ năng, định hình nhân cách; chương trình giáo dục THCS bồi đắp, trang bị những kiến thức phổ thông thì chương trình THPT không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn là xây dựng tư duy, định hướng, bồi dưỡng phương pháp.
Chính các học sinh THPT phải xác định con đường phù hợp tố chất, năng lực, sở trường của mình. Khi hoàn thành bậc học phổ thông, các em có thể tự chủ, tự tin bước vào ĐH, vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vào cuộc sống với việc lựa chọn được con đường, ngả rẽ đúng.
“Thời đại công nghệ thông tin giúp học sinh dễ dàng tiếp cận nguồn sách vở, nguồn tri thức của nhân loại mọi lúc mọi nơi. Chưa kể, ở bậc phổ thông, các em còn có tài sản quý giá là sức trẻ, trí tuệ, khát vọng, tinh thần đổi mới. Nếu được thầy cô khích lệ, truyền cảm hứng, các em sẽ có động lực vươn lên và tỏa sáng trên những đỉnh cao khoa học” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục khởi nghiệp. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) Đỗ Đức Quế cho hay, trong giai đoạn 2020 – 2024, cả nước có khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông, một con số thể hiện sự chuyển biến rõ nét.
Còn Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt thì khẳng định, đội ngũ giáo viên giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, truyền cảm hứng và trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh. Việc nâng cao năng lực giáo viên về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả hoạt động này trong nhà trường.
Mê Tâm
Bình luận (0)