Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Thư từ Ca-li: Mùa khai trường ở Hoa Kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học sinh và thầy cô giáo của một trường tiểu học ở Mỹ. Ảnh: T.L

Bạn thân mến

Đến hôm nay thì hệ thống các trường học tại Việt Nam đã khai giảng niên học mới, có phải vậy không? Tại Hoa Kỳ, mùa học mới cũng đã bắt đầu. Một niên khóa (school year) của hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ là 9 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 8 năm trước đến giữa tháng 6 năm sau. Và một năm học của hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ ở cấp đại học được chia làm 2 học kỳ (semester) cũng có những trường đại học chi làm 4 học kỳ (quarter). Đại đa số các trường trung và tiểu học đều có 2 học kỳ; tuy nhiên, cũng có những học khu  (School District) chia làm 4 học kỳ, và gọi là Year Round.

Những ngày hè nắng ấm, vui vẻ đã qua, đội ngũ nhà giáo bắt đầu trở lại trường. Những tuần lễ đầu tháng 8 thường là những tuần lễ chuẩn bị, những cuộc họp của ban giám đốc trường, những hướng dẫn cho học sinh mới và những buổi họp dành cho các nhà giáo mới ra trường hoặc những nhà giáo mới xin việc.

Nói chung, những tuần này được chuẩn bị rất kỹ.

Bên cạnh đó, có những lớp tu nghiệp – teachers conferences – dành cho những giáo viên chuyên ngành như hiệu trưởng, hiệu phó, giám thị, giám học… học chuyên toán, văn, xã hội…

Bên cạnh đó cũng có những lớp nghiệp vụ cho những cấp lớp tiểu, trung học về những chương trình đặc biệt.

Xin kể bạn nghe một chương trình giáo dục của cấp một là phương pháp giáo dục của bà Montessory. Phương pháp này đang được ứng dụng rất nhiều trong khu vực tư thục (trường học do tư nhân làm chủ). Hiện nay người ta đang chú ý đến phương pháp này, và bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này ở địa chỉ

The Montessori Institute of San Diego

8745 La Jolla Scenic Dr. N., La Jolla, CA 92037

Phone: (858) 535-0500; FAX (858) 535-8200

Website: http://www.montessoriAMISD.com; E-mail: info@misdami.org

Các trường công lập (do chính phủ quản lý) có những buổi hội thảo chuyên ngành trong các lãnh vực văn, toán, khoa học tự nhiên, lịch sử… Khi một giáo viên nhận việc chẳng những phải có bằng cấp sư phạm, bằng cấp chuyên môn, bên cạnh đó nhà trường còn đòi hỏi phải cập nhật hóa hàng năm, có thể có những sửa đổi, bổ sung nhiều chi tiết để cho việc giáo dục đáp ứng được thực tế ngoài xã hội.

Xã hội công nghiệp Hoa Kỳ và các ngành của khoa học cải tiến hàng năm, sản phẩm mới, kỹ thuật tân kỳ luôn luôn được phát minh và vì vậy học sinh các cấp trung học và đại học phải được cập nhật, người thầy giáo phải được gửi đi các cuộc hội nghị, hoặc tu nghiệp, sách giáo khoa phải thay đổi. Trong mùa hè vừa qua tại California đã có những cuộc hội thảo giữa các chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo bộ môn khoa học xã hội để nghiên cứu và lấy ý kiến để thay đổi một vài chương trong sách giáo khoa lịch sử và xã hội sau khi có những nghiên cứu cho thấy sách giáo khoa đã lỗi thời.

Giáo dục ở Hoa Kỳ là cập nhật, là thực tiễn để đem lại kiến thức tổng quát cho học sinh cấp trung học, và chuyên môn cho cấp đại học.

Nhân đây cũng xin chia sẻ cùng bạn những thay đổi về tâm lý của các học sinh từ cấp tiểu học và cấp trung học mà các giáo viên phải biết qua để trao đổi cùng các bậc cha mẹ trong những ngày đầu của năm học mới.

Ở lứa tuổi dậy thì (teenager) có những thay đổi về sinh lý do đó khi các học sinh này chuyển cấp có khi cha mẹ không hiểu là con mình đã phải chịu đựng ra sao khi từ cấp này qua cấp khác cao hơn. Nói cụ thể là từ một thế giới ngây thơ đầy huyền thoại ở tiểu học, học sinh đã bước vào ngưỡng cửa trung học, nơi đó đầy những khám phá mới lạ và những sức ép từ nhiều phía.

Các chuyên viên tâm lý đã đề ra những vấn đề thiết thực cho cha mẹ như cha mẹ nên tìm cơ hội giúp con tự tin. Nhiều đứa bé sẽ mất niềm tin khi bước vào ngưỡng cửa trung học với một môi trường khác xa những ngày còn ấu thơ do cơ thể và môi trường đã thay đổi. Lời khuyên dành cho nên cha mẹ là nên tìm cách làm cho con có điều kiện để thích hợp và giỏi một môn nào đó để tạo cho học sinh có được niềm tự tin.

Tiến sĩ David A. Kinney, giáo sư tâm lý Đại học Michigan, đưa ra nhận xét: “Khi con bạn đã là thành viên của một nhóm chơi nhạc, một câu lạc bộ thể thao… thì nó sẽ tự tin hơn và không thấy môi trường mới đáng sợ nữa”. Do đó ở trường trung học có những tổ chức, những câu lạc bộ như Key Club, Tennis Club để các học sinh tham gia vào. Do đó cha mẹ được khuyến khích tìm hiểu các chỉ dấu để xem con mình thích điều gì, môn gì, bằng cách quan sát đời sống của chúng như ở phòng ngủ của nó, xem nó trang trí, trưng bày những “cái gì” trên tường, hay vẽ, ghi chú cái gì trong tập vở.

Ngoài ra, cha mẹ cũng được khuyên rằng nên để ý, quan tâm đến con cái để nhận ra các dấu hiệu, hoặc những hành vi “bất thường” của con cái. Tuy nhiên, không nên quá “bức xúc” để đến nỗi gây ra sức ép không cần thiết khi con mới bước vào trung học. Chỉ nên tạo những buổi nói chuyện, trao đổi, hoặc cho ý kiến khi thấy con cái bối rối, muốn bạn giúp ý kiến.

Có những dấu hiệu cha mẹ cần biết là khi nào con mình là tâm điểm của sự chế nhạo từ nơi bạn bè. Khi nó liên tục gửi text message cho cô bạn thân cả chục lần trong ngày thì bạn cần phải biết lý do tại sao. Đừng mong muốn biến con mình thành “siêu sao” ngay lập tức, nhưng cũng coi chừng đừng để nó là “con lừa” bị nhiều bạn bè chọc ghẹo.

Tiến sĩ Jed Baker của New Jersey nói: “Khi cảm thấy có cái gì nguy hiểm, thậm chí bị ăn hiếp hay chọc ghẹo, bạn nên biết con bạn có quyền hét to lên. Học sinh không có trách nhiệm bảo bạn đừng ăn hiếp mình, đó là trách nhiệm của giáo viên, của những người lớn trong trường. Nếu nó không hét to lên thì ai biết việc gì xảy ra?”. Ngay cả trong trường hợp không ai ăn hiếp con mình, có khi trong thời gian đầu, con bạn sẽ thấy cô đơn. Đây là lúc cha mẹ nên cố vấn cho con, hoặc tìm một người bạn, người thầy, hay một giáo sư cố vấn (counselor) để con bạn tâm sự một chút, nó sẽ thấy đỡ căng thẳng hơn.

Nếu thấy con mình thật sự bị quá nhiều áp lực, xuống tinh thần (depressed) hay con bạn thật sự có vấn đề khó khăn lớn trong học hành, nên lập tức tìm một cố vấn chuyên nghiệp giúp đỡ.

Hiện nay tại Hoa Kỳ, các trường đều có tổ chức các câu lạc bộ (Club) cho học sinh gặp nhau cùng với các chuyên gia. Họ sẽ giúp các em biết cách làm sao học trong các giờ các em thấy chán nản, hoặc có triệu chứng bỏ học, hay làm sao chống lại chuyện bị ăn hiếp (theo tài liệu Family Circle).

Bạn thân mến,

Mùa học đã đến rồi, tất cả các giáo viên và học sinh đang bắt đầu một niên học mới. Tương lai của thế giới, của xã hội bắt đầu từ ngưỡng cửa nhà trường. Chúc các bạn và tất cả mọi gia đình bắt đầu một niên học mới thành công.

Lệ Thanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)