Bạn thân mến,
Andrew Lâm là một người Việt ở San Francisco, California, Nông là Giám đốc và là cây viết cột trụ trên diễn đàn của New American Media. Cách đây vài năm ông có viết những dòng được coi như là nhận định (hay suy nghĩ, ý kiến) của ông đối với “nghề” làm thầy ở nước Mỹ. Ông viết: “Trong lúc tham dự một lớp dạy về Yoga, tôi miên man nghĩ giữa Đông và Tây vẫn còn quá nhiều khác biệt. Ở VN trước kia, tôi phải luôn vòng tay cúi đầu và nói “thưa thầy” mỗi lần gặp thầy mình. Khi tôi sang Mỹ và học lớp 7, phải mất gần nửa năm tôi mới dần dần bỏ được “thói quen thưa thầy”, dưới mắt các bạn ở Mỹ nó kỳ dị hay buồn cười làm sao.Tuy trong thâm tâm tôi vẫn “tôn sư trọng đạo” nhiều năm sau khi rời mái trường và không sao chia sẻ được cái nhìn không tôn trọng người thầy ở Mỹ, nhưng thời gian gần đây hình ảnh người thầy đã bị bôi tro trát trấu, bởi chính… thầy giáo!Hãng tin AP cho ra những con số sau đây, từ năm 2001 đến năm 2005, có tới 2.570 thầy giáo đã đối diện với Hội đồng giáo dục vì các tố cáo có hành vi “tồi bại” với học trò. Nổi bật nhất là chuyện cô giáo chở học trò nam 13 tuổi qua tới biên giới Mexico hành sự!Rõ ràng có một số thầy và cô giáo Mỹ “có vấn đề tình dục” từng bị dư luận báo chí làm ầm ĩ trong thời gian qua.Nhưng cái mà chúng ta không thấy là con số “hàng ngàn nói trên” chỉ chiếm có 0,085% tất cả các nhà giáo dục Hoa Kỳ, vốn lên tới gần 3 triệu người. Nói cho công bằng, thiên hạ thích lôi chuyện “thầy đè trò” lên báo hơn là thầy “giúp trò nên người”Các nhân vật thành danh, hoặc những tên tuổi nổi bật không bao giờ quên ơn thầy. Ví dụ như tài tử Tom Hanks khi lên lãnh giải Oscar cho bộ phim “Philadelphia”, hoặc cô tỉ phú da đen Oprah chẳng bao giờ quên “cô giáo Duncan” dạy lớp 4 của cô ngày xưa.Thế nhưng những câu chuyện tốt đẹp đó không làm người ta chú ý bằng các “Ông thầy bà cô quá cỡ thợ mộc hiện nay”, đến nỗi sử gia Jacques Barzun nói: “Dạy học thì chả bao giờ mất cái giá trị nghệ thuật của nó, nhưng cái nhìn tôn sư trọng đạo truyền thống trong lòng dân chúng Mỹ đã mai một”.Còn nhiều yếu tố khác để người ta không còn tha thiết với ngành giáo dục, trong đó có mức lương “chết đói” (44.000 đô/năm so với 85.000 của các ngành khác). Hồi xưa mẹ tôi dạy chúng tôi “quân sư phụ”, bây giờ ở Mỹ, thầy chỉ còn là “thợ dạy”! (New American Media)Bạn thân mến,Đọc những dòng trên bạn có cảm nhận thế nào? Kỳ cục quá phải không? Làm thầy chức năng làm thầy chỉ còn trơ trọi một ý nghĩa “thợ dạy”. Điều này có nghĩa là tư cách, phẩm chất đạo đức của người thầy đã băng hoại mất rồi; đâu còn nữa những từ ngữ hay ho như “quân sư phụ”, thầy còn cao hơn cha một bậc. Giáo chức ở Hoa Kỳ đúng là một người thợ như bao người thợ khác….thợ lắp ráp điện tử, thợ chữa bệnh, thợ làm ống nước, thợ chế tạo các công trình… thợ khác nhau ở tay chân hay đầu óc. Thợ hành nghề bằng bộ óc thì đó là dân “cổ trắng”, thợ làm việc bằng tay chân là dân “cổ xanh”… chỉ khác nhau mức lương chớ chẳng có khác nhau cái gì khác. Giáo chức, hay thầy giáo… là một nghề thật, nhưng đó là nghề cao quý, nghề làm thầy thiên hạ, là người “thợ” sản xuất, là “kỹ sư” tâm hồn, đào tạo ra những nền công nghệ cao, những vĩ nhân tương lai của thế giới. “Không thầy đố mày làm nên”….tục ngữ của ta chẳng đã nói như vậy sao? Và nói cho đúng (đặc biệt ở Hoa Kỳ) thì nghề nào chẳng là nghề, phải không bạn? Nhưng dù sao thì xã hội văn minh như ngày nay cũng nhờ có giáo dục đấy. Giáo chức tại Hoa Kỳ với mức lương thấp, mà còn bị cắt xén quá nhiều cho nên những người chọn đi vào ngành này thường mang tâm hồn của những người muốn giữ gìn kỷ cương, giềng mối cho tương lai.Bạn thân mến,Như vậy là tôi đã có một vài con số, một vài ghi nhận của công chúng đối với ngành giáo dục rồi đấy bạn. Hy vọng rằng, trong những lá thư sau tôi sẽ viết nhiều hơn và tùy theo yêu cầu của bạn.
Lệ Thanh
Bình luận (0)