Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thủ tục, giá cao, dịch vụ kém… níu cánh bay du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, nhưng không phải con đường nào đến những danh thắng: Hạ Long, Sa Pa… đều dễ dàng với du khách. Dịch vụ du lịch bằng đường hàng không ở Việt Nam còn quá nhiều trở ngại – đây là một vấn đề đặt ra tại hội thảo “Phát triển dịch vụ du lịch bằng trực thăng” do công ty Trực thăng miền Bắc tổ chức hôm qua (6.6) tại Hà Nội.

Một chiếc trực thăng dịch vụ du lịch của công ty Trực thăng miền Bắc.
“Với nhiều khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế, đường đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam không dễ dàng”, ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói. Để đến những thắng cảnh tuyệt đẹp như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), từ Hà Nội phải đi mất ít nhất tám tiếng; thậm chí lâu hơn nữa nếu có trắc trở: sạt lở đường, tắc nghẽn giao thông… Còn từ Hà Nội theo đường 18 đến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tuy nói mất hai tiếng rưỡi nhưng không mấy khi đi được, mà thường phải mất 3 – 4 tiếng. “Thực sự là có những đối tượng khách quốc tế VIP họ không đến được những điểm này do mất quá nhiều thời gian và mệt mỏi. Chưa kể những tuyến đường này, hay xảy ra tai nạn”, ông nói.
Đường hàng không hay trực thăng là phương tiện rất tốt đối với nhiều nhóm đối tượng khách du lịch ít thời gian mà lại có khả năng chi trả như các doanh nhân, người giàu có… “Hơn nữa, du lịch bằng đường hàng không là một phong cách du lịch, một cách nhìn mới, tạo ra sự hấp dẫn mới ở những địa danh du lịch như Hà Giang, Hạ Long, Cù lao Chàm – Mỹ Sơn (Quảng Nam), Cồn Cỏ…”, ông Vũ Thế Bình nói.
Tuy nhiên, theo lời đại diện hiệp hội Du lịch Việt Nam tại hội thảo, việc xin phép triển khai đường bay mới cho du lịch ở Việt Nam hiện nay là rất rắc rối, phức tạp, làm nản lòng nhiều công ty du lịch. “Hiện nay do quan niệm về an ninh, việc quản lý không gian quá chặt cho nên để tổ chức được dịch vụ, giải thích được cho cơ quan quản lý là rất gian khổ”, ông Vũ Thế Bình nói. Và đây là một trong những lý do Việt Nam khó phát triển du lịch bằng đường hàng không.
Ở một góc cạnh khác, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đại diện công ty Du lịch Exotissimo, cho rằng tiềm năng phát triển du lịch bằng đường hàng không ở Việt Nam là rất lớn nhưng chất lượng dịch vụ máy bay ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng. Các điểm tiếp nhận khách thường xa trung tâm, giờ bay hay bị trì hoãn, các thông tin hướng dẫn, chỉ dẫn kém, sản phẩm còn chưa nhiều… “Nhưng vấn đề lớn nhất là giá dịch vụ bay du lịch ở ta còn cao. Cho dù là ngày càng nhiều khách đến Việt Nam tìm đến sản phẩm du lịch cao cấp nhưng với mức giá hiện nay, khi họ so sánh với giá ở các nước thì cũng khó chi trả. Cho nên các nhà làm tour hiện nay vẫn chưa đủ tự tin để quảng bá, rao bán dịch vụ này”, bà Thuỷ nói.
Bà Đặng Bích Thọ, trưởng đại diện công ty du lịch Phoenix, cho biết công ty này năm nào cũng tổ chức được các đoàn đi bằng trực thăng, từ năm 1994. “Tôi cho rằng, nhu cầu đi du lịch bằng trực thăng ở ta là rất lớn”, bà Thọ nói. Nhưng bà Thọ cũng cho rằng, số lượng máy bay hiện có, chủ yếu ở tổng công ty Dịch vụ bay Việt Nam còn quá ít (tổng cộng 25 chiếc, riêng công ty Trực thăng miền Bắc có bảy chiếc), hiện nay lại chủ yếu phục vụ dịch vụ MIA (tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích), dầu khí…
Ngoài ra, có nhiều ý kiến đề nghị: cải thiện thông tin, hình ảnh giới thiệu dịch vụ; nâng cao trình độ nhân viên, có chính sách giá cả phù hợp; nhập khẩu những loại máy bay nhỏ, phù hợp với địa hình Việt Nam, có chính sách bảo hiểm tốt, xây dựng những sản phẩm, tour tuyến hay… Từ hội thảo, có lẽ các công ty dịch vụ bay ở Việt Nam đã thu lượm được rất nhiều thông tin hữu ích, bài học để cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm đưa hoạt động khai thác du lịch bằng đường hàng không lên bước mới.
bài và ảnh: Mạnh Quân
SGTT.VN 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)