Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thủ tục hiện đại hại doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau hơn hai tháng chính thức nhận hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng qua đường bưu điện, các doanh nghiệp bắt đầu kêu vì quá mất thời gian, tốn tiền lưu công lưu bãi.

 
Vận chuyển hàng container ở cảng – Ảnh: D.Đ.Minh
Ngày 12.12.2008, Bộ Công thương ban hành quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng nhập khẩu bằng Thông tư số 17/TT-BTC. Mới đây, ngày 28.5.2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư 24/TT-BCT thay thế Thông tư 17 nói trên, áp dụng từ ngày 12.7. Theo Thông tư 24, doanh nghiệp lập hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu tự động gửi bằng đường bưu điện đến văn phòng Bộ Công thương tại Hà Nội và TP.HCM. Giấy phép sẽ được Bộ Công thương cấp sau 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bằng đường bưu điện.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nêu ý kiến: Bộ Công thương hoàn toàn có thể trả lời doanh nghiệp bằng e-mail (tất cả các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu 100% phải dùng e-mail) nếu hồ sơ chưa hoàn chỉnh. Việc làm này nhanh gọn hơn phải ngồi soạn văn bản xong trình ký, gọi bưu tá tới nhận thư đi gửi và trên hết là tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.
Theo ông Bùi Ngọc Tú (giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Q.Tân Phú), thoạt nghe thì Thông tư 24 có vẻ hiện đại, chuyên nghiệp nhưng xem ra từ khi áp dụng thông tư này doanh nghiệp lại phải đối đầu với tình huống thủ tục nhiêu kê, nan giải. “Ví dụ hồ sơ hợp lệ, hoàn chỉnh thì cũng 7 ngày mới cấp giấy phép nhập khẩu tự động, trong khi theo Thông tư 17 thì chỉ có 5 ngày. Còn nếu hồ sơ chưa hợp lệ (chủ yếu là những lỗi cơ học như sai sót trên tờ đơn xin giấy phép nhập khẩu tự động: ngày tháng năm, sai lỗi chính tả…, không ảnh hưởng đến giá trị, thuế suất), Bộ Công thương sẽ có công văn trả lời bằng đường bưu điện và doanh nghiệp quay lại hành trình nộp hồ sơ từ đầu. Tiếp tục chờ đợi thêm 7 ngày nữa xem có sai sót gì không. Doanh nghiệp hoàn toàn bị động về thời gian làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, nhân viên đi làm thì hồi hộp chờ đợi không biết khi nào mới mở được tờ khai để thông quan hàng hóa”, ông Tú than.
Ông Lâm Hoàng V. làm giao nhận hàng hóa cho một công ty có trụ sở ở Q.1 dẫn chứng cụ thể hơn: “Chúng tôi gửi hồ sơ đi ngày 12.7 đến ngày 23.7 nhận được phản hồi của Bộ Công thương, đề ngày 21.7, do bưu điện gửi đề nghị bổ sung giấy phép kinh doanh và mẫu biểu áp dụng mới. Không thể hiểu nổi tại sao lại mất hơn 10 ngày cho 1 tờ đơn. Chưa kể trường hợp nếu chúng tôi không nhận được công văn bằng đường bưu điện, bị thất lạc… thì hàng hóa phải đợi bao lâu để thông quan?”.
Mới đây, Công ty thực phẩm N. cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng kêu cứu. Ngày 2.7.2010, Công ty N. vận chuyển một container hàng thực phẩm đông lạnh các loại trong đó có gan vịt từ Pháp về cảng ICD Phước Long. Loay hoay xin giấy phép nhập khẩu tự động đến ngày 20.8 công ty này mới hoàn tất thủ tục, mở được tờ khai hải quan. Đến lúc này, lô hàng bị tắc vì quy định tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng nội tạng. Theo tính toán của doanh nghiệp, nếu lô hàng này bị tái xuất hoặc tiêu hủy thì thiệt hại của doanh nghiệp lên đến 2 tỉ đồng.
Trao đổi với PV, một cán bộ hải quan của Tân Cảng (TP.HCM) cho biết, hiện nay ước chừng khoảng 80% hàng hóa tiêu dùng (thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, đồ trang trí, điện gia dụng…) đều phải có giấy phép nhập khẩu tự động mới tiến hành nộp hồ sơ mở tờ khai hải quan được. Muốn xin giấy phép nhập khẩu tự động, doanh nghiệp phải có vận tải đơn, muốn có chứng từ này thì hàng hóa phải rời khỏi cảng đi và thường hãng tàu chỉ cấp "bill" sớm hơn thời gian hàng cập cảng đến, khoảng 2 ngày (có khi hàng cập cảng đến mà chưa có chứng từ). "Trước đây áp dụng theo quy định cũ, một lô hàng từ khi cập cảng đến lúc hoàn tất thủ tục hải quan, thông quan mất từ 3 – 7 ngày nhưng theo quy định của Thông tư 24 thì phải mất trung bình 10 – 20 ngày", vị này nói.
Trong khi đó, 1 container lưu tại cảng mất từ 10 – 20 USD/ngày, cứ thế chi phí của doanh nghiệp tăng lên trong khi ngồi chờ giấy phép nhập khẩu tự động. Tất cả chi phí này sẽ được doanh nghiệp tính vào giá. Cuối cùng, chỉ có người tiêu dùng gánh đủ.
Việt Nam sẽ sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường
Đó là phát biểu của ông Stefaan Depypere, đại diện Nhóm công tác về quy chế nền kinh tế thị trường cho VN của Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc tiếp xúc với báo chí diễn ra hôm qua 24.9 khi được đề nghị dự đoán thời điểm VN sẽ được EU công nhận là nền kinh tế thị trường.
Ông Stefaan Depypere cho rằng, tiến trình này nằm trong tay VN. Nếu như phía VN càng đệ trình và cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ thì tiến trình này sẽ diễn ra càng nhanh. Căn cứ vào những nỗ lực của VN thời gian qua, ông Stefaan Depypere bày tỏ tin tưởng VN sẽ sớm đạt được mục tiêu này sớm hơn nhiều so với thời hạn pháp lý 2018.
Ông Stefaan Depypere cũng cho biết, đã thu được nhiều thông tin và có những thảo luận tích cực với các cơ quan chức năng của VN. “Dự kiến trong một vài tháng tới, nhóm công tác sẽ có một báo cáo mới về nền kinh tế thị trường của Việt Nam”, ông Stefaan Depypere nói.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một bản đánh giá về nền kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận VN đáp ứng tiêu chí về mức độ can thiệp của Chính phủ vào việc sử dụng và phân bổ nguồn lực cho DN. Trong các tiêu chí còn lại, EC cho rằng Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, nhưng có một số nội dung cần được hoàn thiện hơn. Phía VN sau đó đã có phản hồi tới EC về những đánh giá này và đây cũng là lý do cho chuyến làm việc lần này tại VN của ông Stefaan Depypere và các đồng sự. Theo ông Stefaan Depypere, những thông tin và kết quả làm việc về các tiêu chí còn lại để công nhận VN là nền kinh tế thị trường là rất đáng khích lệ. “Chúng tôi cảm giác đã có những tiến triển nghiêm túc từ VN”, ông Stefaan Depypere nói.
Nguyên Phong
 
Lê Nga / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)