Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại, ông Sunak nói rằng cách tiếp cận của Anh đối với Trung Quốc cần thay đổi và Bắc Kinh đang “chủ động cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu bằng cách sử dụng mọi đòn bẩy quyền lực”.
“Phải nói rõ, cái gọi là ‘kỷ nguyên vàng’ đã qua, cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại có thể dẫn đến thay đổi xã hội và chính trị”, ông Sunak nói về cụm từ được cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne nói về quan hệ Anh – Trung từ năm 2015.
Một số người trong đảng Bảo thủ của ông Sunak chỉ trích nhà lãnh đạo này vì thiếu cứng rắn với Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm Liz Truss. Năm ngoái, khi còn là bộ trưởng tài chính, ông Sunak kêu gọi cần cân bằng giữa một bên là quan ngại nhân quyền và một bên là mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc gặp dự kiến giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Indonesia đầu tháng này bị huỷ. Tuần trước, London cấm sử dụng các camera an ninh do Trung Quốc sản xuất trong các toà nhà chính phủ nhạy cảm.
“Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc tạo ra một thách thức mang tính hệ thống đối với những giá trị và lợi ích của chúng ta, một thách thức đang trở nên cấp bách hơn…”, ông Sunak nói.
“Tất nhiên, chúng ta không thể đơn giản là phớt lờ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới, đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hay những vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Úc, Nhật và nhiều nước khác cũng hiểu điều này”, Thủ tướng Anh cho biết.
Ông Sunak cho biết, dưới sự lãnh đạo của ông, nước Anh sẽ không còn cách “giữ nguyên trạng” và sẽ đối đầu với các đối thủ quốc tế “không chỉ bằng ngôn từ mà cả sự chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ”.
Về vấn đề Ukraine, ông cho biết Chính phủ Anh sẽ duy trì viện trợ quân sự cho Kiev trong năm sau, tiếp nối sự ủng hộ mạnh mẽ mà hai chính quyền tiền nhiệm đã làm.
Bình luận (0)