Sáng nay, 8-12, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Chỉ còn 20% doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ và hòa vốn
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, 10 năm qua cả nước sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp (nếu tính cả thời gian trước đó là 5.374 doanh nghiệp, trong đó cổ phẩn hóa 3.976 doanh nghiệp).
Trong số này có 14 tổng công ty được sắp xếp theo các hình thức: giải thể cơ quan văn phòng 5 tổng công ty, sáp nhập hợp nhất 8 tổng công ty, chia tách 1 tổng công ty. Đã tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Đã thành lập mới 128 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Đến tháng 10-2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó 452 doanh nghiệp an ninh quốc phòng, tham gia hoạt động công ích; 857 doanh nghiệp kinh doanh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần khác ít hoặc chưa tham gia; quy mô doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên, chủ yếu là vừa và lớn.
Theo cơ cấu sở hữu, các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay có 701 doanh nghiệp do địa phương quản lý, 355 doanh nghiệp thuộc các bộ ngành, 253 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty 91.
Tổng số vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 của các doanh nghiệp Nhà nước là trên 700.000 tỷ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 653.000 tỷ đồng. Vẫn còn 102 doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng, 8 doanh nghiệp có số vốn dưới 1 tỷ đồng (đây là những doanh nghiệp chủ yếu làm công ích, nông lâm trường ở vùng sâu vùng xa).
Báo cáo này cũng cho hay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có cơ cấu đa sở hưu, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý. Hiện nay cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tổng công ty Nhà nước được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con.
Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước cũng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh, là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô. Về cơ bản, vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong giới hạn cho phép. Phần lớn doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ đã giảm nhiều, có doanh nghiệp trước đây lỗ nhưng giờ đã có lãi. Năm 2001 số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 60% thì đến năm 2010 chỉ còn 20%.
Trong 10 năm qua đã cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp, cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra những tồn tại như còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Chưa thực hiện được việc sắp sếp doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Quy mô vốn doanh nghiệp Nhà nước nói chung được tăng nhanh nhưng vẫn còn gần 10% có vốn dưới 5 tỷ đồng, 1 tỷ đồng.
Báo cáo cũng đã đưa các nguyên nhân của những tồn tại này, trong đó nhấn mạnh chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra; các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ; chức năng quản lý hành chính Nhà nước, chức năng quản lý của chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước còn lẫn lộn; việc phân công, phân cấp kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước còn phân tán, chống chéo, chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính dẫn đến lúng túng trong thực hiện, trách nhiệm chưa rõ ràng.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém; chế tài xử lý đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có sai phạm chưa cụ thể và chưa đủ nghiêm..
Từ thực tế này, Chính phủ chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong những năm tới. Theo đó, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu vẫn là là doanh nghiệp Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt để kinh tế Nhà nước giữ được va trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô.
Doanh nghiệp Nhà nước phải có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh, hầu hết đa sở hữu, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế liên quan đến an ninh quốc phòng, dịch vụ công, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện thông qua đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch. Chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Nhiệm vụ cụ thể được chỉ ra là đến năm 2015, phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hiện có. Theo đó, có 692 doanh nghiệp tiếp tục duy trì 100% vốn Nhà nước (284 doanh nghiệp công ích, an ninh quốc phòng và 408 doanh nghiệp kinh doanh) trong những lĩnh vực độc quyền Nhà nước, quốc phòng, an ninh, thủy nông, thủy lợi…
Đồng thời, thực hiện cổ phẩn hóa 573 doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 392 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng; không chi phối ở 181 doanh nghiệp. Thực hiện giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp; 31 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu bằng các phương thức thị trường (mua bán doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần; bán cho tập thể người lao động.. ).
Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Hạn chế việc Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối. Việc thoái vốn sẽ thực hiện công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 65% hoặc 75% vốn điều lệ tại 11 đơm vị như tập đoàn dầu khí, điện lực, Than-khoáng sản, công nghiệp cao su, bưu chính viễn thông, công nghiệp hóa chất, tàu thủy… Thực hiện phương án này thì sau năm 2015 cả nước sẽ còn 692 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty. Khi đó, có 48 tỉnh thành sẽ chỉ còn doanh nghiệp hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, nông lâm nghiệp. Đến năm 2020, cả nước chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước, an ninh quốc phòng và công ích.
Chính phủ cũng cho biết sẽ thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp. Sẽ thực hiện tái cơ cấu từng doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với các giải pháp cụ thể..
Buổi chiều 8-12, Thủ tướng đã kết luận về hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015.
Đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước phải công bằng
Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới nhằm bảo đảm 2 mục tiêu: DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô; bảo đảm hiệu quả hoạt động của DNNN phải tương xứng với tiềm năng.thủ tướng cho biết, trên cơ sở nội dung của hội nghị hôm nay, đề án tái cơ cấu DNNN sẽ được hoàn thiện với nội dung tái cơ cấu cho từng tập đoàn, tổng công ty.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp các kiến nghị để báo cáo Chính phủ xử lý, đơn cử như “không thể để thuế nước ngoài ưu đãi hơn thuế trong nước” như có ý kiến đã phản ánh.
Đánh giá về kết quả 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010, Thủ tướng cho rằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, về thể chế, đã làm rõ quản lý Nhà nước đối với DNNN, tuy còn hạn chế nhưng đã rõ ràng hơn; quản lý Nhà nước đối với chủ sở hữu Nhà nước; quản lý của chủ sở hữu; khuôn khổ pháp lý để sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa (CPH); bảo đảm cho DNNN sản xuất kinh doanh tại DN đó. Nhờ đó, chúng ta đã có hành lang pháp lý để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN 10 năm qua.
Thứ hai, đã giảm mạnh được DNNN nhỏ và DNNN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Hiện chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tức là đã có khoảng 4.000 DNNN được sắp xếp lại. Nhờ vậy, DNNN tập trung vào các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, không tràn lan như trước.
Mặt khác, quy mô của DNNN được nâng lên cả về vốn, doanh thu, tổng tài sản, nộp ngân sách Nhà nước. Vai trò của DNNN cơ bản giữ được, là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô, bảo đảm công ích, an ninh quốc phòng. Bảo đảm lợi ích cho người lao động, kể cả lao động dôi dư.
Sắp xếp DNNN thời gian qua thành công nhất là ở cổ phần hóa. DNNN chủ yếu là đa sở hữu, nhờ đó hoạt động năng động, hiệu quả hơn. Cổ phần hóa nhưng vẫn bảo đảm vai trò của DNNN. Thủ tướng cho rằng, DNNN đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bảo đảm giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, tiền tệ, hàng không, viễn thông. “Hàng không thế giới qua mấy lần khủng hoảng nhưng hàng không Việt Nam vẫn bảo đảm có lãi. Viễn thông phát triển vượt bậc tác động lớn đến hạ tầng kỹ thuật đất nước. Xây dựng các công trình lớn, trọng điểm như thủy điện Sơn La. Các sản phẩm công ích, quốc phòng an ninh .. Tất cả đều do DNNN đảm trách, đó là điều không thể phủ nhận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta không thể mở hết đường bay cho quốc tế, mở cửa viễn thông, đóng tàu bảo đảm an ninh quốc phòng.. vì vậy, những vị trí then chốt này vẫn phải do DNNN đảm nhận, và 10 năm qua DNNN đã đạt nhiều hiệu quả.
“Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”. Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá vai trò của DNNN phải khách quan. Vai trò của DNNN là không phải chỉ kiếm tiền. Nhiều DNNN phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành để bảo đảm kiềm chế lạm phát, vì thế không thể coi đó là làm ăn kém hiệu quả. “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Phải làm rõ điều này. Nếu các tập đoàn đầu tư ngoài ngành mà lỗ thì phải tách riêng để xử lý nghiêm, nhưng lỗ mà do mục tiêu bình ổn giá thì phải đánh giá công bằng để nhân dân, xã hội hiểu. Xăng dầu cũng vậy”, Thủ tướng lưu ý đồng thời cho rằng, phải đánh giá cái được, cái làm tốt để nhân rộng, phát huy.
Giải quyết tình trạng thua lỗ vẫn kéo dài
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của DNNN. Trong đó có việc thể chế còn thiếu đồng bộ, chậm, chưa rõ trách nhiệm dẫn đến vướng mắc, lúng túng, điển hình nhất là đối với vụ việc của Vinashin. “Đây vừa là khuyết điểm, vừa là nguyên nhân dẫn đến nhiều hạn chế trong hệ thống DNNN. Tới đây phải làm đồng bộ thể chế về DNNN để đạt hiệu quả cao trong quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng “đặt hàng” cho Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”, Thủ tướng chia sẻ. Muốn đổi mới DNNN thành công, khung thể chế đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, cơ chế quản lý cán bộ quản lý tại DNNN hiện nay theo Thủ tướng vẫn còn “nhùng nhằng”, rất khó cho Chính phủ trong điều hành, vì vậy cũng cần phải được hoàn thiện.
Ngoài vấn đề thể chế, Thủ tướng cho rằng tiến độ CPH còn chậm. Giải quyết tình trạng thua lỗ vẫn kéo dài. “Có doanh nghiệp giải quyết thua lỗ 20 năm nay vẫn chưa xong”, Thủ tướng bức xúc. Thoái vốn ở DNNN cũng quá chậm. Việc đổi mới các nông lâm trường quốc doanh còn quá chậm chạp, lúng túng tuy Bộ Chính trị đã có kết luận. “5 năm tới phải giải quyết được việc chuyển đổi các nông lâm trường quốc doanh”, Thủ tướng yêu cầu.
Hiệu quả trong một số tập đoàn, tổng công ty vẫn thấp, thua lỗ. Có biểu hiện làm trái gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, làm mất lòng tin của xã hội, mất tuy tín của hệ thống. Một số cán bộ mất đoàn kết kéo dài.. “Tất cả những khuyết điểm, yếu kém này phải được nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ giữ lại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nếu thực sự cần thiết
Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các nhiệm vụ chính. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế về hoạt động của DNNN, trong đó cần làm rõ vai trò của quản lý Nhà nước, chủ sở hữu, công tác cán bộ, hàng lang để sáp nhập, giải thể doanh nghiệp.
Thứ hai, cần làm rõ sắp xếp, quản lý các nông-lâm trường quốc doanh. Theo Thủ tướng cần tách bạch nông trường và lâm trường, định rõ cơ chế quản lý, không để như hiện nay.
Thứ ba, ngay trong năm 2011, phải phê duyệt xong phương án sắp xếp lại từng DNNN, phân loại rõ các loại hình: doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; doanh nghiệp không cần giữ 100% vốn chi phối; doanh nghiệp nào cổ phần hóa nhiều, doanh nghiệp nào cổ phần hóa ít.
”Từng doanh nghiệp phải có phương án cụ thể. Chỉ giữ lại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nếu thực sự cần thiết. Kể cả phương án đã được phê duyệt cũng phải rà soát lại. Quyết tâm đến 2015, kết thúc nhiệm kỳ sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp,đổi mới DNNN”, Thủ tướng nói.
Thứ tư, phải kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo ở các DNNN. Cán bộ tốt thì doanh nghiệp mới tốt.
“Quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Chính phủ đã phê duyệt xong phương án sắp xếp các DNNN, đang khẩn trương hoàn hiện đề án tái cơ cấu DNNN. Cần đề cao trách nhiệm ở từng cấp, giám sát tốt việc thực hiện. Phấn đấu ngay từ năm 2012 sẽ tăng tốc việc sắp xếp, đổi mới DNNN’, Thủ tướng nhấn mạnh..
PHAN THẢO – LÂM NGUYÊN
Theo SGGP
Bình luận (0)