Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng Chính phủ: Học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy giáo là động lực

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp, để đảm bảo thắng lợi năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, ngành giáo dục đào tạo cần nhìn nhận một cách khách quan, nhận thức một cách đúng, hành động một cách quyết liệt. Không được chủ quan, lơ là, không được thoả mãn, luôn luôn phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để từ thực tiễn có sơ kết, tổng kết, đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, giải pháp phù hợp, đáp ứng với tình hình.

Nhà trường là nền tảng, thầy giáo là động lực

Năm học 2020-2021, Thủ tướng nhận định là năm học ghi dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của NQ 29 TW, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Ngành giáo dục đã linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó, ứng dụng công nghệ quản lý, dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Bên cạnh nguy còn có cơ, là cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đặt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã triển khai kỳ thi tốt nghiệp sát với tình hình, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đảm bảo chống dịch được dư luận đánh giá rất cao. Giáo dục Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, cải thiện vị trí xếp hạng trường ĐH trong các bảng xếp hạng quốc tế. Tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế luôn đạt được thứ hạng cao, thể hiện được trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chúc mừng thành quả chung của toàn ngành, chứng tỏ truyền thống hiếu học của dân tộc ta dù bất cứ hoàn cảnh nào, với nhiều tấm gương sáng về trí tuệ, về tinh thần vượt khó và hội nhập quốc tế của học sinh. Thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước.

Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương tinh thần tham gia chống dịch của thầy, trò các trường y dược, không quản ngại hy sinh gian khổ, đi đầu trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, thấm nhuần tư tưởng “lương y như từ mẫu”.

Năm học vừa qua, Thủ tướng đánh giá, ngành giáo dục đã từng bước, quyết liệt, thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, với phương châm lấy học sinh làm trung tâm.

Tuy nhiên, về phương châm lấy học sinh làm trung tâm, Thủ tướng cho rằng chưa đầy đủ, cần phải có thêm các thành tố nữa để làm phong phú, sâu sắc thêm. Đó là lấy học sinh làm trung tâm nhưng phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực.

Trong đó, nền tảng nhà trường là cơ sở vật chất, nội dung chương trình học tập… luôn luôn phải đổi mới cho phù hợp với tình hình. Nền tảng mà không tốt thì ảnh hưởng đến trung tâm là học sinh.

Thầy giáo là động lực nghĩa là thầy giáo mà truyền cảm hứng tốt thì học sinh thấy giờ học nhanh. Còn thầy giáo mà không có chuẩn bị tốt, không truyền được cảm hứng tốt, không đầy đủ kiến thức, không phù hợp với kiến thức thì giờ học với học sinh rất dài.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp, để đảm bảo thắng lợi năm học 2021-2022, Thủ tướng yêu cầu, toàn ngành cần nhìn nhận một cách khách quan, nhận thức một cách đúng, hành động một cách quyết liệt. Không được chủ quan, lơ là, không được thoả mãn, luôn luôn phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để từ thực tiễn có sơ kết, tổng kết, đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, giải pháp phù hợp, đáp ứng với tình hình.

Đưa giáo dục văn hoá, truyền thống lịch sử dân tộc vào ngành giáo dục

Đây là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo trong năm học 2021-2022.

Theo Thủ tướng, truyền thống đoàn kết, văn hoá lịch sử hào hùng của đất nước là một nguồn lực rất quan trọng. Chúng ta phải nghiên cứu đưa giáo dục văn hoá, truyền thống lịch sử dân tộc ta vào sâu hơn nữa trong ngành giáo dục, phải được đặt ngang tầm trong giáo dục.  

Thủ tướng đánh giá, các tỉnh thành đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề, bám sát, đúng và trúng với thực tế, tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, còn nhiều tồn tại mà các địa phương chưa nêu ra được nhưng xã hội quan tâm. Đó là còn hiện tượng bệnh thành tích trong giáo dục, chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo ĐH có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn lực, thích ứng với cuộc CM 4.0, nhất là hội nhập quốc tế, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền còn có nơi, có lúc chưa được ngang tầm với giáo dục là quốc sách. Đời sống giáo viên ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, tình trạng dạy thêm học thêm vẫn còn phổ biến. Học chưa gắn với hành và nhu cầu mà nguồn nhân lực xã hội cần.

Thủ tướng nhận định, ngành giáo dục cần phải nhìn thẳng vào những tồn tại để có giải pháp trong thời gian tới. Các địa phương, các ngành cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

“Khi làm có đúng có sai. Trong điều kiện khó khăn phức tạp thì không phải cái gì cũng đúng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Quan trọng là cái chưa làm được thì phải kịp thời phát hiện, thẳng thắn nhìn thấy. Không xấu hổ vì những cái mình chưa làm được, chỉ xấu hổ nhất là mình không nhìn ra và không chịu tiếp thu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tránh tình trạng học một đằng, thi một nẻo

Trước những vướng mắc của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường xây dựng gắn với khong gian xây dựng trường học, nhất là ở các TP lớn, phải có tầm nhìn xa.

Chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các địa phương rà soát cơ chế chính sách phân bổ giáo viên, triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng cho phù hợp. Trong công tác giáo dục phải đạt được mục tiêu: Học thật- Thi thật- Nhân tài thật, thu hút nhân tài, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, cần có giải pháp tổng thể từ đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, có giải pháp hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành giáo dục cần giảm tình trạng dạy thêm học thêm bằng các giải pháp thiết thực. Chương trình học, thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, kiểm tra giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ, thi khó, học một đằng thi một nẻo; Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên, học sinh có thời gian chuẩn bị; Có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, văn hoá, khắc phục tình trạng dạy môn Lịch sử còn thiên về học thuộc; tăng cường dạy học ngoại ngữ gắn với đổi mới sáng tạo, phù hợp với hội nhập; Các địa phương phải cơ cấu lại lớp học, điểm trường, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.  

Nhân dịp năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc và mong các thầy cô giáo với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, ra sức xây dựng nến giáo dục ngày càng phát triển, tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vị một Việt Nam sánh vai với các cường quốc, năm châu, vì một Việt Nam thịnh vượng…

Yến Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)