Sự kiện giáo dụcTin tức

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và ân cần thăm hỏi học sinh tặng hoa trong buổi khai mạc hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, cần tiếp tục phát huy những thành quả quý báu mà ngành giáo dục đã đạt được.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực và những thành tích đã đạt được từ các cuộc vận động và phong trào thi đua của toàn ngành trong những năm qua; biểu dương đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh đã tích cực thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; đồng thời, đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực mang tầm chiến lược, quốc sách hàng đầu này.
Thủ tướng khẳng định cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Thủ tướng cũng chỉ rõ ngành giáo dục cần nghiêm túc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên về việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các cuộc vận động và các phong trào thi đua.
Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng có điều kiện khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn; đội ngũ cán bộ, giáo viên có khả năng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn thiếu và yếu.
Phạm vi thực hiện cuộc vận động “Hai không” còn hạn chế, chưa thực sự được triển khai trong giáo dục đại học. Công tác kiểm tra, đánh giá thiếu thường xuyên. Bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa cho em Võ Thanh Luân. thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Q.Huy
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục; xây dựng quy hoạch kế hoạch phát triển; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phù hợp và hiệu quả hơn. Tăng cường các hoạt động khảo thí và công tác thanh tra kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, triển khai có kết quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải; rà soát, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông phù hợp mục tiêu giáo dục đã đề ra. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nâng cao chất lượng dạy, học và sử dụng ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh con em gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, giáo viên công tác ở những vùng có nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cuộc vận động và các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2011-2012 và các năm tiếp theo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
VGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)