Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thủ tướng: Cửa quyền cản trở sản xuất ghê gớm lắm

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng cho rằng ngoài việc cải cách để có thể chế tốt thì cán bộ thực thi cũng phải tận tâm, trách nhiệm, bởi những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất.

Thông điệp nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận hội nghị chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tổ chức ngày 25/4.

“Tinh thần của chúng ta là cải cách, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ bảo vệ quyền kinh doanh, công khai các điều kiện về kinh doanh chứ không để tình trạng làm trái luật, giấy phép con hoành hành”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

thu-tuong-cua-quyen-can-tro-san-xuat-ghe-gom-lam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thể chế, luật pháp tốt mà cán bộ thiếu trách nhiệm, không tận tâm thì doanh nghiệp cũng bị phiền hà. Ảnh: VGP

Trước đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, theo tinh thần hai luật Đầu tư và Doanh nghiệp thì từ 1/7 các thông tư, quyết định không được quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn có tới 114 văn bản ràng buộc các điều kiện của 167 ngành nghề. Ngoài ra, Chính phủ cũng còn 15 nghị định quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh, nhằm cụ thể hóa hướng dẫn 2 luật nói trên nhưng có nguy cơ không ban hành kịp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư – Đặng Huy Đông cho biết hiện mới chỉ có 8 trong số 18 bộ có báo cáo rà soát về các văn bản quy định điều kiện kinh doanh. “Phải mất cả tháng trời chúng tôi mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại, song khi đến làm việc thì Thứ trưởng các bộ cáo bận vào phút chót, chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được”, ông Đông nói.

Do đó, để không tạo ra khoảng trống pháp lý khi 2 luật có hiệu lực từ 1/7, Thứ trưởng Đông kiến nghị các bộ phải khẩn trương tập hợp các điều kiện kinh doanh để công khai trên mạng cho doanh nghiệp được biết. Cùng với đó, ông kiến nghị Chính phủ sửa nhiều nghị định theo tinh thần rút gọn để có hiệu lực cùng với hai luật kể trên.

Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề nghị Thủ tướng cử Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải vào cuộc cùng dự với cơ quan này trong những buổi rà soát với các bộ chuyên ngành để tránh tình trạng không thống nhất được quan điểm.

“Tại sao chỉ việc tập hợp các điều kiện kinh doanh do chính mình ban hành mà các bộ không làm được. Nếu không làm thì doanh  nghiệp có quyền suy diễn phải chăng vì điều kiện đó là vô lý nên các anh không công khai”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nghi vấn và yêu cầu các Bộ phải hoàn tất rà soát, để Bộ Kế hoạch & Đầu tư tập hợp, đăng lên mạng ngay trong tháng 4 này.

Còn theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần đổi mới của hai luật này là thành quả quan trọng của công cuộc cải cách thể chế mà Quốc hội, Chính phủ có được. Điều này cùng với các hiệp định tự do mới ký kết được hy vọng là tạo ra cú hích mới trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên tiến độ rà soát, chuẩn bị thực hiện của các bộ còn chậm, còn nhiều vướng mắc. Do đó, cần làm ngày làm đêm thì cũng phải làm để tinh thần các luật mới đi vào cuộc sống đúng lộ trình, nếu không sẽ khó ăn nói khi trả lời chất vấn trước Quốc hội”, ông Huệ nói.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc chuẩn bị thi hành hai luật này phải trên tinh thần không cầu toàn, cái gì làm được phải bắt tay ngay cho kịp. “Tôi đồng ý với kiến nghị Ban hành nghị định theo quy trình rút gọn. Tương tự là nâng cấp các thông tư về điều kiện kinh doanh cũng với tinh thần này để làm sao giảm thiểu thủ tục, giấy phép con và đến 30/5 các công việc này phải hoàn tất để Chính phủ rà soát, ban hành nghị định”, Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh: “Làm sao để thủ tục ít mà trách nhiệm cho rõ, không để tình trạng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Tuyệt đối tránh chuyện quyền anh quyền tôi bởi cửa quyền cản trở sản xuất ghê lắm”.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, ngoài việc có thể chế tốt thì người thực thi còn phải tận tâm, trách nhiệm. “Không loại trừ chủ trương lớn, đúng đắn nhưng nảy sinh cửa quyền khi thực hiện. Cho nên cần tăng cường vai trò của tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”, Thủ tướng lưu ý.

Chí Hiếu/ VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)