Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3-8-2024 đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, đồng thời là một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, phân tích vai trò, nội dung, yêu cầu, tư tưởng chủ đạo, cũng như nhiệm vụ của công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã có những đột phá từ vùng đất nông nghiệp, phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, hút hàng nghìn nhà đầu tư FDI, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân. Bình Dương đã đi từ không đến có, từ thấp đến cao; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. Quy mô GRDP của tỉnh tăng gấp gần 125 lần sau gần 30 năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tỉnh là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8-2024, Bình Dương thu hút hơn 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước.
Chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình phát triển của tỉnh, Thủ tướng cho rằng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. Thủ tướng khẳng định đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; kết tinh của quá khứ, hiện tại, tương lai, kế thừa, đổi mới và phát triển.
Hoan nghênh Bình Dương trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính…, Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện “3 tiên phong”: Tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế; tiên phong xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện các định hướng này, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai hiệu quả quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đồng thời điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển mới. “Tỉnh phải khai thác tối đa nguồn lực, phát huy truyền thống lịch sử – văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số…”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương phải phát huy hiệu quả 3 không gian động lực, 5 chiến lược trọng tâm mà quy hoạch đề ra. Đồng thời ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương vùng Đông Nam bộ; kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông; phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu. Tỉnh cần quan tâm đầu tư cho GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì con người là yếu tố quyết định, phải có chính sách ưu tiên để nâng cao dân trí, đào tạo và thu hút nhân tài. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI…; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phổ biến rộng rãi để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần “Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân thụ hưởng”. Bình Dương nên xây dựng Cung quy hoạch để trưng bày các đồ án quy hoạch của tỉnh; giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và du lịch, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại – du lịch trong nước, quốc tế. Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng đến năm 2030; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố.
Thủ tướng chỉ đạo các các bộ, ngành Trung ương giám sát, phối hợp, hỗ trợ thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương. Để thể hiện sự khích lệ, cam kết, đồng lòng trong việc thực hiện bản quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức khởi động thực hiện Quy hoạch tỉnh và các dự án, công trình trọng điểm chiến lược ở Bình Dương…
Phạm Tiếp – Chí Tường (TTXVN)
Bình luận (0)