Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thủ tướng: Dứt khoát độc quyền xuất nhập khẩu vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Đánh giá cao kết quả điều hành thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong năm 2014 phải dứt khoát và kiên quyết hơn dù chịu nhiều sức ép.

Lãi của các tổ chức tín dụng năm nay chỉ bằng một nửa so với các năm trước như 2010, 2011. Ảnh: Thanh Lan.
Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ sáng 18/12 tại Hà Nội của ngành ngân hàng có sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chia sẻ với các nhà băng, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao cách điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Ông đề nghị, dù phải chịu nhiều sức ép nhưng cơ quan này dứt khoát phi tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng vì đây là ngoại tệ. Ngoài ra, để tránh tình trạng vàng hóa, Thủ tướng yêu cầu không cho phép huy động, cho vay vàng trở lại. Năm 2013, việc bóc tách toàn bộ vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng đã được nhà điều hành thực hiện thành công. Đến nay, cơ quan này vẫn tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng để ổn định cung – cầu trên thị trường.
"Không để cho thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014 đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh", Thủ tướng chỉ đạo ngành.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa cũng giao nhiệm vụ ổn định lạm phát đặt vào tay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng như toàn ngành. "Trong Chính phủ, chúng tôi cũng nói lạm phát thì Thống đốc, ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm", ông nói. Theo đó, năm 2014, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 7%. "Ưu tiên ở mức 6,5-7% vì lạm phát thấp quá sẽ cũng khó khăn cho nền kinh tế", Thủ tướng giải thích thêm.
Riêng về nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống, Thủ tướng muốn ngành ngân hàng kiên quyết hơn để tránh nguy cơ đổ vỡ. "Các anh chị đang ngồi đây, hãy tự giác lập kế hoạch rồi Nhà nước sẽ hỗ trợ sau. Những chuyện sở hữu chéo, cho vay sân sau đã để lại đống nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Trách nhiệm với tài sản của chính ngân hàng mình và cũng là trách nhiệm với cả nền kinh tế", ông nói.
Dù ghi nhận nỗ lực của ngành nhưng Thủ tướng thẳng thắn cho rằng nợ xấu của hệ thống theo đúng các tiêu chí có thể hơn 8% thay vì 4% như các đơn vị "tự báo cáo". Thủ tướng nói: "Hết sức cố gắng rồi nhưng còn nặng nề lắm, chúng ta phải cố gắng để nợ xấu về 2-3% như Thống đốc cam kết trước Quốc hội", ông yêu cầu.
Trước đó, trong báo cáo trước Hội nghị, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận hiệu quả kinh doanh của ngành thấp so với cùng kỳ các năm trước. Lợi nhuận của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng lũy kế 11 tháng năm nay đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái. Nếu so sánh với 2010, 2011, mức lãi này chỉ bằng 53-64%.
Người đứng đầu cơ quan thanh tra giám sát cũng cho biết, 17% các tổ chức tín dụng lỗ trong năm nay. Trong hơn 100 đơn vị lãi, có đến đến hơn một nửa giảm lợi nhuận so với năm 2012.
Hệ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA, ROE  cũng chưa được cải thiện, đều giảm so với năm ngoái khi chỉ đạt lần lượt 0,53% và 5,6%. Nguyên nhân theo ông Nghĩa là chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm mạnh, chi phí dự phòng gia tăng khi chất lượng dự phòng giảm sút. "Nếu không cải thiện hiệu quả kinh doanh, một bộ phận các tổ chức tín dụng sẽ chịu áp lực rất lớn về tài chính và không thể tự xử lý được nợ xấu với quy mô lớn bằng nguồn dự phòng và bán nợ cho VAMC", ông Nghĩa lo ngại.
Bên cạnh đó, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã xác định thêm một vài ngân hàng yếu kém và đang giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Trong một báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết đã đánh giá và xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém. Thống đốc cho biết trong đó có 2 ngân hàng cổ phần, 6 tổ chức phi ngân hàng yếu kém.
Với các ngân hàng nước ngoài, nhà điều hành khẳng định sẽ tạo điều kiện và khuyến khích để góp vốn mua cổ phần nhà băng Việt. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ông Nghĩa cho biết, dự kiến các đối tác Việt Nam sẽ thoái vốn tại 2 trong số 3 nhà băng này. Ngoài ra, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không hiệu quả thời gian tới cũng sẽ xem xét rút giấy phép.
Riêng về trường hợp tái cơ cấu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phê duyệt đề án tái cơ cấu sau khi trình Thủ tướng chấp thuận. Ông Nghĩa cho hay đang chỉ đạo Agribank triển khai đề án này, kết hợp với xử lý những sai phạm, yếu kém bị phát hiện qua thanh tra, giám sát.
Sau hơn một năm tái cơ cấu thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, hệ thống đã giảm 6 tổ chức tín dụng (4 ngân hàng và 2 tổ chức phi ngân hàng). Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai một số trường hợp mua lại công ty tài chính. Hiện một số tổ chức phi ngân hàng cũng đã trình hoặc đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Theo Thanh Lan

(VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)