Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thủ tướng “giải tỏa” bức xúc của cử tri

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe ý kiến của các cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo về tình hình và kết quả phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm 2022; đồng thời giải đáp những thắc mắc của cử tri.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách. Ngày 9-10-2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Hiện các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1-7-2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Thủ tướng cũng báo cáo cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai để giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang gây bức xúc trong người dân. Các chủ thể liên quan từ Trung ương tới địa phương phải cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Theo đó sẽ phân cấp đấu thầu theo tinh thần nơi nào, cấp nào làm tốt nhất, thuận lợi nhất thì giao nhiệm vụ với quan điểm vừa đúng quy định, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm chất lượng thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế…

Liên quan đến xăng dầu, Thủ tướng đánh giá nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp. Theo đó cơ bản đã được giải quyết… Đồng thời Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu; công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin tới khách quan phải phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng…

T.B

Bình luận (0)