Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng làm việc với TP.HCM về phát triển kinh tế – xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-4, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các ủy viên trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, buổi làm việc tập trung đánh giá tình hình chung của kinh tế – xã hội quý 1, cũng như đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ sát với tình hình của TP.HCM.

Theo Thủ tướng, hiện nay tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp. Lạm phát, kinh tế đang trên đà suy giảm, chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến nước ta về mặt thị trường, cơ cấu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt tác động đến đầu vào giá nguyên liệu, nhất là xăng dầu. Thị trường Trung Quốc mở cửa dù có thuận lợi nhưng sức cạnh tranh về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại nền kinh tế của nước ta đã tích lũy tiềm năng, tuy nhiên những điểm yếu, khó khăn, vướng mắc sau đại dịch cũng bộc lộ sâu sắc hơn. “Từ tình hình này, chúng ta cần phân tích kỹ càng, tìm hướng xử lý với nhiệm vụ, giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị đánh giá những nghị quyết, nghị định, thông tư được ban hành đầu năm đã thực sự đi vào cuộc sống TP.HCM chưa, quá trình tổ chức còn vướng mắc, khó khăn ra sao, cần bổ sung, hoàn thiện nội dung gì. Việc phối hợp giữa thành phố với Chính phủ, các bộ ngành cần rút kinh nghiệm gì để thúc đẩy, làm tốt hơn.

Theo Thủ tướng, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp, để thúc đẩy thành phố  phát triển nhanh, bền vững.

“Việc phối hợp giữa thành phố với Chính phủ, các bộ ngành phải hết sức nhịp nhàng, bằng trách nhiệm trên cơ sở bám sát tình hình, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện cho tốt”, Thủ tướng nói.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Trong năm 2022, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03%; đóng góp 15,6% GDP đứng thứ nhất trong 63 tỉnh thành cả nước.

Trong quý I năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng dương ước tăng 0,7%, trong đó một số ngành có mức tăng trưởng khá ngành dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 24,24%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, riêng công nghiệp và dịch vụ chiếm 86,3%. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 125 ngàn tỷ, đạt 26,6% dự toán năm.

Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng gần 70 ngàn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện tăng 19,4%.


Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự buổi làm việc (Ảnh: VGP)

Sản xuất tháng 3 khởi sắc, chỉ số IIP tháng 3 tăng 4,8% so với tháng 2 và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu. Giá cả hàng hóa ổn định. Khách quốc tế đạt gần 1,1 triệu người trong quý I năm 2022 không có khách du lịch quốc tế. Có gần 11 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,6% và chiếm 32,4% doanh nghiệp thành lập mới cả nước. Tổng dư nợ tín dụng quý I tăng 7,7%.

Thành phố cũng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, hệ thống chính trị. Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh…

Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành nhiều vấn đề, trong đó có kiến nghị về Đề án ban hành Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông liên vùng, như: kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương; kiến nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường cao tốc TP.HCM – Long Thành (đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 – nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu); kiến nghị chỉ đạo các bộ, địa phương hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)