Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP.HCM: Tạo cơ chế thông thoáng cho đầu tư hạ tầng giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Cầu Phú Mỹ được xem là công trình đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Hà Anh

Trong 2 ngày 15 và 16-3-2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho TP trong việc triển khai các dự án đầu tư lớn, chống ngập, ùn tắc giao thông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra cho TP các cơ chế, chính sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội TP phát triển…
Những công trình làm thay đổi bộ mặt thành phố
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM báo cáo với Thủ tướng việc quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đồng thời triển khai 12 dự án quy mô lớn gồm: Đại lộ Đông – Tây, đường trục Bắc – Nam, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội… Những công trình này không những làm thay đổi bộ mặt TP mà còn tạo điều kiện để kết nối giao thông, phát triển kinh tế cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, báo cáo của UBND TP.HCM cũng nhận định: Là đô thị lớn và năng động, nhưng thực trạng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị đang mất cân đối. Cả TP hiện có khoảng 3.768km đường, trong đó 70% là đường có bề rộng dưới 7m với diện tích giao thông mới chiếm 1,8km/km2 diện tích chung. Trong khi đó, số lượng, tốc độ gia tăng phương tiện và hành trình giao thông liên tục tăng mạnh hàng năm. Hiện toàn TP có 4,4 triệu xe các loại, trong đó có 4 triệu xe máy, 404.000 ôtô. Trung bình mỗi ngày lại có thêm 115 ôtô và 1.149 xe máy mới đổ xuống các con đường, cùng với khoảng 1 triệu xe máy, 60.000 ôtô ngoại tỉnh “xâm nhập” vào nội đô. Tính chung toàn địa bàn, những khu vực có địa hình thấp dưới 2m chiếm tới 55% diện tích, TP có hơn 2.008 km sông, kênh rạch nhưng chỉ khoảng 1.050km đê, bờ bao. Theo đánh giá, hiện nay hệ thống thoát nước của TP mới đạt khoảng 1/6 chiều dài cần xây dựng và chỉ phục vụ 10% diện tích cần thoát nước. Chính vì thế, với diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết, lưu lượng mưa lớn đã dẫn tới tình trạng úng ngập thường xuyên của 79 tuyến đường, 629 ha trong khu vực nội thành khi xuất hiện triều cường, 78 điểm ngập trên 3 lần, 48 điểm ngập từ 1 – 2 lần do mưa. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân kiến nghị với Thủ tướng nhiều nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn. Cụ thể, TP kiến nghị tăng mức thu phí cấp mới giấy đăng ký và biển số đối với ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ 2 triệu đồng (mức hiện hành) lên 20 triệu đồng và đóng lệ phí lưu hành; đồng thời tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Kinh phí thu được, TP sẽ đưa vào quỹ phát triển hạ tầng giao thông.
Tạo cơ chế thông thoáng cho đầu tư hạ tầng giao thông
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, TP cần rà soát lại tất cả quy hoạch đã phê duyệt, tính toán lại quỹ đất và bổ sung kịp thời; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án đạt đúng tiến độ đề ra để dự án sớm phát huy hiệu quả. Để giải quyết tốt những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Thủ tướng đề nghị, TP phải lên kế hoạch và có một đề án tổng thể về GPMB cho các dự án chuẩn bị đầu tư. Các công trình tới đây, ví dụ như vành đai 3, tàu điện ngầm, trục xuyên tâm, đường sắt trên cao… Chỗ nào tái định cư cho dân, nhà phục vụ nhân dân ở như thế nào? Nếu không chủ động thì các công trình sẽ không tiến lên được. TP cần dành một phần quỹ đấu giá tiền sử dụng đất để GPMB, tái định cư cho dân và đầu tư cho phù hợp. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng trên địa bàn thành phố. Chính phủ sẽ bảo lãnh vốn vay nhưng dự án phải hiệu quả. Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP xây dựng cơ chế tài chính đặc thù trình Chính phủ ban hành để triển khai có hiệu quả các dự án. TP cần mạnh dạn thí điểm, không có thực tiễn thì không bao giờ có câu trả lời. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát quy hoạch, tính toán lại những chương trình, dự án với yêu cầu phải có tầm nhìn xa và đặc biệt phải có tính khả thi cao. Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị hữu quan trên địa bàn cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB. TP.HCM là địa phương thu hút nguồn ODA lớn nhất nước và cũng có nhu cầu lớn về việc kêu gọi các gói đầu tư đối với hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, triều cường dâng. Vì vậy, việc sớm có dự án sẽ giúp TP chủ động và cân đối sớm được nguồn lực để triển khai. Riêng về chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng gợi ý, TP phải rà soát lại quy hoạch, tập trung chỉ đạo đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai và dành một nguồn lực để chuẩn bị đầu tư như thuê tư vấn, lập dự án; đồng thời làm tốt công tác GPMT cho các dự án đang xây dựng và xây dựng kế hoạch cho các dự án chuẩn bị đầu tư. TP cũng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các qui định quản lý đô thị, trong đó xây dựng hệ thống giao thông động và tĩnh, bến xe, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm…
ANH KIỆT – MINH KHẢI

Bình luận (0)