Sự kiện giáo dụcTin tức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong triển khai Hiệp định EVFTA

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về “triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị 
(ảnh: VGP)

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU). Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, trong đó có liên quan nhiều đến vấn đề lao động.

Trong hiệp định nhấn mạnh nhiều đến quyền cơ bản của lao động và người lao động,  gồm việc đảm bảo quyền người lao động được tham gia vào các tổ chức đại diện như công đoàn; được đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Đặc biệt hiệp định quan tâm xóa bỏ cưỡng bức lao động, lao động trẻ em, mọi hình thức đối xử phân biệt trong lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết để thực hiện hiệu quả và tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức mà hiệp định đề ra, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp thực thi nghiêm túc cam kết luật lao động của hiệp định. Cách tốt nhất để doanh nghiệp thực hiện cam kết luật lao động chính là thực hiện nghiêm các quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã được Quốc hội phê duyệt. Đây là bộ luật đã tích hợp đầy đủ nội dung các công ước cơ bản của Tổ chức lao động Quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Việc thực hiện yêu cầu về lao động đặt ra những nghị định sẽ không là thách thức lớn đối với doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu hàng trong thị trường EU. Nhưng đối với doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu trong thị trường này thì đây là cơ hội để doanh nghiệp rà soát, tuân thủ tốt hơn về pháp luật lao động, cũng chính là cách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng và người lao động”, ông Quân cho biết.

Cũng liên quan đến lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiệp định lần này là văn bản pháp lý quan trọng mà Việt Nam và EU cam kết dành cho nhau, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần.

“Điều kiện đủ là nguồn lao động chúng ta phải có năng lực cạnh tranh, điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực vô cùng quan trọng”, ông Quân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa – thông tin EU rất quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực tương đối thấp. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực còn tập trung vào bậc đại học, chưa tập trung đào tạo nghề. Theo ông Thân, hiện các trường dạy nghề đều đáp ứng điều kiện về công nghệ, máy móc để có thể đào tạo được đội ngũ lao động tay nghề cao. Tuy nhiên, học sinh lại chưa sẵn sàng tham gia học, đa số các em sau khi tốt nghiệp THPT đều chọn thi vào đại học. Còn doanh nghiệp, đơn đặt hàng liên kết đào tạo với các các trường thì rất ít.

Từ thực tế này, ông Thân kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, phải có tiêu chí vượt trội để làm sao khuyến khích học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề. Phía doanh nghiệp cũng nên liên kết với các trường dạy nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo đủ số lượng lao động có tay nghề cao.

Góp ý thêm, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam – mong muốn có chính sách phát triển nguồn nhân lực để doanh nghiệp phát triển hơn. “Ở lĩnh vực may mặc, Việt Nam cần có các chính sách liên kết hợp tác đào tạo quốc tế để tận dụng được kiến thức, công nghệ từ nước ngoài, tiệm cận được trình độ của các quốc gia phát triển”, bà Xuân đề xuất.

Tại TP.HCM, nhằm chủ động đón đầu cơ hội từ EVFTA, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP – chia sẻ sẽ tổ chức tập huấn về hiệp định cho công chức theo từng nhóm ngành, bám sát yêu cầu công việc cụ thể để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. “Kinh nghiệm của TP.HCM là không dàn trải mà phải tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp cần, lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung và cách thức truyền thông. Đây còn là tiến đề để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khai thác cơ hội mà EVFTA mang lại”, ông Đức cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam và các đối tác liên quan. Nhưng để vượt qua thách thức hiện nay, thực hiện khát vọng giàu mạnh phải có quyết tâm cao. Phải thay đổi tư duy, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo để đạt hiệu quả cao hơn.

Điều quan trọng là hình thành các quy hoạch phát triển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng là yêu cầu cơ bản cho đầu tư, hợp tác thành công của các doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ngành quản lý Nhà nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Đây là điểm nghẽn của Việt Nam, muốn giải quyết căn cơ phải có cách làm bài bản theo thời gian. Không chỉ cần công nhân lành nghề mà cán bộ quản lý cao cấp cũng rất quan trọng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Nguồn nhân lực con người đóng vai trò quyết định trong thực thi EVFTA. Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, các bộ ngành khác và địa phương phải phối hợp làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động và tích cực hành động hơn nữa việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Chính phủ đã có kế hoạch hành động với các nhóm nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở này, các bộ ngành, địa phương phải đưa ra một hành động cụ thể của từng đơn vị.

Quá trình triển khai hiệp định quan trọng là phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Chú ý tăng cường phối hợp, đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Bộ Công thương là “nhạc trưởng” điều phối thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm thống nhất trong áp dụng và triển khai cam kết theo hiệp định để niềm tin của các nước EU vào Việt Nam ngày càng cao.

Nguyễn Trinh

 

 

Bình luận (0)