Nhức nhối sức khoẻ học đường
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 với 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý…
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trong năm học 2018 – 2019, tại các trường học mầm non và phổ thông, vẫn còn 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố; số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chỉ chiếm khoảng 65,6%; số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 62,8%. Vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh lây nhiễm trong trường học.
Việc gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường. Hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7 đến 15 % học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống…
Sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, hiện nay cả nước có trên 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với hơn 23 triệu trẻ em, học sinh chiếm khoảng 25% tổng dân số. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em, học sinh vẫn cần và rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra. Sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho các em.
Nhiều trẻ chưa an toàn trong nhà, ngoài xã hội
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu rất quan trọng bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Những năm qua, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, điều kiện vệ sinh trường học…
Tuy nhiên, thực tế một số trẻ em vẫn chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, có một số vụ nghiêm trọng, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý. Vẫn còn không ít học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì nhiều lý do khác nhau. Và rất đau lòng, đã có không ít em tìm đến những giải pháp tiêu cực.
Điều kiện rèn luyện thể chất hạn chế, ảnh hưởng đến việc rèn luyện sức khỏe của các cháu, nhất là các môn liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ như bơi lội, phòng tránh thiên tai… Hằng năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em bị đuối nước. Đây là vấn đề mà chính quyền các cấp cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Chương trình học cho trẻ còn nặng về kiến thức và thiếu các kỹ năng sống. Điều đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và gây áp lực cho trẻ. Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.
Nhiều giáo viên, nhà trường, phụ huynh và gia đình chưa coi trọng việc liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan tới học sinh. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đủ tới lúc con ở trường và nhiều giáo viên chưa dành nhiều sự quan tâm học sinh khi ở nhà tạo nên khoảng trống lớn.
Không coi nhà vệ sinh là công trình phụ
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các địa phương về vấn đề nhà vệ sinh trường học hiện nay nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả TP lớn. "Cần có quy hoạch từ đầu, dành nguồn lực và xã hội hoá để xây dựng. Không để tâm lý coi nhà vệ sinh là "công trình phụ" và xây dựng không đến nơi đến chốn", Thủ tướng nói.
Ông yêu cầu, ngành Giáo dục và Y tế đóng vai trò nòng cốt chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần cho học sinh. Trong đó sức khỏe tinh thần đặt ngang với sức khỏe thể chất. Có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp
Thủ tướng yêu cầu: "Phải trăn trở đưa ra thông điệp mạnh mẽ, hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chăm sóc, thậm chí đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần. Cần có đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em".
Trong đó những việc cần giải quyết sớm là cải thiện điều kiện vật chất trường học; cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19; giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Vấn đề trước mắt, thời sự hiện nay Thủ tướng giao việc mở cửa lại trường học sau hai năm gián đoạn, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả để phụ huynh học sinh yên tâm khi các cháu trở lại trường học.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp; phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn.
Theo Hà Linh/TPO
Bình luận (0)