Chiều 25-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, tập đoàn trong nước và quốc tế.
Phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát biểu tại phiên đối thoại, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo. Nhờ vào chuyển đổi kinh tế số, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên. Tuy nhiên, cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm phải cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện, hợp tác quốc tế phải sâu rộng.
Theo ông Hoan, sự chủ động của các địa phương là cần thiết nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng, quyết định thành công của quá trình chuyển đổi. Trong 5 năm gần đây, kinh tế TP.HCM phát triển ổn định, tiếp tục giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp TP.HCM đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững, gia công lắp ráp chiếm tỷ trọng cao, giá trị gia tăng thấp, công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư và phát triển nay đã lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm hụt lao động, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm… Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc chuyển đổi ngành công nghiệp TP.HCM là hết sức cấp bách và cần thiết.
“Công nghiệp TP.HCM phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chip điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính. Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới, như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh” – ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, để chuyển đổi công nghiệp TP.HCM thành công, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần có sự đồng hành của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và các địa phương. Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và những chính sách thuộc thẩm quyền của TP.HCM.
TP.HCM sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.
Phiên đối thoại chính sách chủ yếu tập trung vào định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng công nghiệp 4.0, công nghệ cao và sinh thái; chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, bền vững; các chính sách, đặc thù và tiềm năng bứt phá của TP.HCM; chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên.
Tập trung các giải pháp về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc chuyển đổi công nghiệp không chỉ một quốc gia hay một bộ phận người dân, mà là tất cả các quốc gia, tất cả người dân. Như vậy, phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện để cùng nhau giải quyết các vấn đề. Trong đó, có việc chuyển đổi công nghiệp, sáng tạo khoa học, cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thủ tướng, chủ đề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay đúng và trúng, công nghiệp hiện nay là toàn diện, bao trùm, tổng thể chứ không đơn thuần như khái niệm công nghiệp trước đây. Chuyển đổi của TP.HCM là chuyển đổi một cách toàn diện, đặt mục tiêu tham vọng xây dựng một TP mang thương hiệu của một quốc gia, khu vực và quốc tế; xây dựng một TP văn minh hiện đại và nhân dân luôn luôn được hạnh phúc ấm no.
“Với truyền thống lịch sử hào hùng của TP.HCM, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP.HCM, cộng với sự giúp đỡ của các bộ ban ngành, các địa phương. Đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và sự tạo điều kiện của bạn bè quốc tế. Tôi tin chắc là mục tiêu này sẽ đạt được” – Thủ tướng phát biểu tại buổi đối thoại.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các giải pháp đưa ra là rất phù hợp, về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, quản trị thông minh. Ngoài ra, còn các giải pháp khác có liên quan đến việc huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, các thành phần kinh tế tư nhân. Chính phủ và các bộ ngành xây dựng thể chế cùng với TP.HCM, ưu tiên về cơ chế chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực này.
Theo Thủ tướng, trách nhiệm của TP.HCM là phải làm sao hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển thành công là thành công của TP.HCM và cũng là thành công của Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, đối tác ưu đãi về mặt tài chính; chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, có chương trình đào tạo nguồn nhân lực mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tác nhưng cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Trần Hướng
Bình luận (0)