Chúng ta phải chung sức, đồng lòng với một quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt để tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho người người, nhà nhà, cộng đồng, xã hội học tập nhằm không ngừng hoàn thiện mình, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua đã chính thức phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nội dung trên.
Sự nghiệp “trồng người” được quan tâm đặc biệt
Những năm qua, sự nghiệp “trồng người” nước ta đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân. Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng trên cả nước.
Nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng; mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; có nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân mọi lứa tuổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành thực hiện nghi thức phát động phong trào
Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm nhuần vào từng cá nhân, từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền… Nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được phát triển mạnh mẽ. Xuất hiện nhiều phong trào học ngoại ngữ, khiêu vũ của người cao tuổi ở thành phố; học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi ở nông thôn; lớp học trên ghe, thuyền cho các em nhỏ làng chài miền sông nước; lớp học tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số; lớp học tiếng Anh ở vùng cao do các thầy cô giáo dưới xuôi giảng dạy thông qua những phương tiện nghe nhìn; lớp học tình thương dành cho những em mồ côi, khuyết tật…
Có nhiều làng xã đã trở thành hiện tượng xã hội như làng hội họa, làng của những nông dân chơi vĩ cầm, làng của văn hóa đọc… Có những tấm gương cao niên nhiều năm liền kiên trì quyên góp sách, xây dựng thư viện, cổ vũ phong trào đọc sách ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đặc biệt là phong trào học tập từ xa thông qua internet thời kỳ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn có nhiều tấm gương như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt lên số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Hay những người cao niên vượt qua cả tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng ĐH, thạc sĩ thỏa ước mơ mà thời trẻ không có điều kiện thực hiện.
Đồng lòng, quyết tâm xây dựng xã hội học tập
Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới không ngừng biến động, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đặt ra yêu cầu về tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao với mọi tình huống. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ là hết sức quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”
Thực tế, không quốc gia phát triển nào mà không bắt đầu từ giáo dục. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như: Mỹ, Canada, Úc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”.
Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”. |
“Chúng ta phải chung sức, đồng lòng với một quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt để tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho người người, nhà nhà, cộng đồng, xã hội học tập. Học tập ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực để không ngừng hoàn thiện đức – trí – thể – mỹ nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân Việt Nam; sánh vai với cường quốc năm châu” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực chung tay đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và nhân dân ấm no hạnh phúc.
Để xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 theo các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” để tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Theo Bộ trưởng, sẽ bằng mọi biện pháp để đề án này được đi vào thực tế và đem lại kết quả thiết thực.
Với chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thống nhất hành động hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng những nội dung công việc cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.
“Ngành giáo dục và đào tạo bày tỏ sự quyết tâm cao, niềm tin sâu sắc rằng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động sẽ tạo khí thế mới để thúc đẩy việc học tập của toàn thể người dân trong bối cảnh, yêu cầu và điều kiện mới” – Bộ trưởng nói.
Việt Ngân
Bình luận (0)