Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng nay (12-5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự ngày hội “Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” lần thứ VI năm 2024 diễn ra tại Trường ĐH Cần Thơ.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại ngày hội

Ngày hội do Bộ GD-ĐT phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày 12 và 13-5 nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực phát triển bền vững

Phát biểu tại ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện nghi thức khai mạc ngày hội

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi được gặp gỡ những gương mặt học sinh, sinh viên thông minh, năng động và đầy nhiệt huyết, hoài bão tại ngày hội. “Ở các cháu – những chủ nhân tương lai của đất nước, tôi cảm nhận rõ niềm đam mê, nỗi khát vọng, lòng quyết tâm và sự kiên trì, dũng cảm để khởi nghiệp, cống hiến” – Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho hay, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ sinh viên tại khuôn viên trưng bày các dự án khởi nghiệp

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ tự hào khi có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước; được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới.

Thủ tướng mong các em luôn noi theo những tấm gương sáng của các thế hệ đi trước; luôn chăm chỉ, chuyên cần, cố gắng học tập rèn luyện tốt; giữ vững niềm tin, làm tròn trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Mong các em sống tràn đầy đam mê, hoài bão, có khát vọng vươn lên, có ý chí lập thân, lập nghiệp.


Sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM chuẩn bị trưng bày dự án khởi nghiệp

Để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp; với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả cả trước mắt lẫn lâu dài.

Thủ tướng nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại báo cáo của Bộ GD-ĐT; đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả nhiều nội dung. Trong đó, có việc tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Tăng cường liên kết giữa các trường ĐH-CĐ với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề…


Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp với quan khách dự ngày hội

Cùng với đó, tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quy tụ hơn 700 dự án khởi nghiệp

Được biết, ngày hội “Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” năm nay có các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường ĐH-CĐ; diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI; giao lưu, trình diễn công nghệ cao…

Trong đó, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8-2023; thu hút 707 tác phẩm tham dự, tăng 199 tác phẩm so với năm trước.


Học sinh TP.HCM giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp của đơn vị mình

Theo đánh giá, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Số lượng tham gia của học sinh cấp THCS tăng so với các năm trước. Dự án khởi nghiệp của khối sinh viên các cơ sở đào tạo mang tính ứng dụng công nghệ mới như IOT, Big Data và AI.

Cả nước hiện có 60% cơ sở đào tạo đã thành lập được những câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh đào tạo. Có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (tăng 20 so với năm 2023). Khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Đáng chú ý, có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công; có những dự án đã thu được lợi nhuận và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao sẽ dược tuyển chọn để tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp…

Bộ GD-ĐT cho rằng, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đem đến cơ hội lớn để các dự án khởi nghiệp tiếp cận được nhà đầu tư. Qua đây, khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân lập nghiệp; giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, “nhúng” mình vào thực tiễn.

Hiện nay trên cả nước, 100% các ĐH, học viện, trường ĐH-CĐ và TC có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 90% học sinh THPT, sinh viên ĐH-CĐ được giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Hầu hết các địa phương, cơ sở đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Số lượng cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (vào cuối năm 2020) lên 48% (vào cuối năm 2023). Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. Đến nay, mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trên cả nước đã được hình thành. 

Mê Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)