- 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp mang tầm vóc toàn cầu
Nhiều bạn trẻ đã tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác. Đặc biệt, hàng ngàn học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định điều này tại ngày hội “Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” lần thứ VII do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM tổ chức ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ngày 20-4.
Tự hào khi những ý tưởng của các em được nuôi dưỡng thành hình
Trong lần thứ tư tham dự ngày hội này, Thủ tướng nhận định, qua mỗi lần tổ chức đều chứng kiến những sự đổi mới đến từ phong trào khởi nghiệp của thanh niên, học sinh, sinh viên. Suốt 7 năm qua, ngày hội là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên dù là nhỏ bé nhất được soi đường, dẫn dắt, nuôi nấng và chắp cánh. Đây là nơi hội tụ những trí tuệ trẻ, đầy khát vọng; nơi kết nối giữa giáo dục, doanh nghiệp và chính sách; nơi cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững. “Chúng ta tự hào khi thấy những ý tưởng của các học sinh, sinh viên đã được nuôi dưỡng thành hình; trở thành những mô hình, sản phẩm thiết thực; đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng, gia đình và cho chính bản thân các em” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi sau 7 năm triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” thì đến nay, 100% trường ĐH, học viện, CĐ, trung cấp và toàn bộ 63 sở GD-ĐT đã có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp đã ra đời từ học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp… Nhiều bạn trẻ đã tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác. Đặc biệt, hàng ngàn học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu bằng những sản phẩm đã thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc (từ ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch đến giải pháp số trong đời sống hàng ngày).
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của thanh niên Việt Nam cũng như chưa tương xứng với những giá trị cốt lõi của thanh niên Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần hiếu học, chuyên cần, chịu khó, đức hy sinh, vượt qua nghịch cảnh và tinh thần tương thân tương ái. Những giá trị cốt lõi này của thanh niên Việt Nam chưa được phát huy hết trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện
Thủ tướng cho rằng, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài; cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách (đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp mô hình công – tư) tạo điều kiện hỗ trợ học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng, đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên bằng nguồn xã hội hóa; xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và trường học.

Với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển những trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo; tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, phát triển các phòng thí nghiệm, khuyến khích giảng viên sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ứng dụng; phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến và tài nguyên số, bổ sung chuyên đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình học tập.
Cùng với đó, kết nối doanh nghiệp và quỹ đầu tư khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới cố vấn, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ; hỗ trợ giảng viên, học sinh, sinh viên đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm. Kết hợp Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp phải tích cực đặt hàng, đầu tư đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa các ý tưởng; cùng nhà trường truyền cảm hứng, tạo động lực đầu tư dẫn dắt thế hệ trẻ… Thủ tướng nhận định, sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Huy động mọi nguồn lực từ Nhà nước đến khu vực tư nhân trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có khát vọng khởi nghiệp.
Còn thanh niên, học sinh, sinh viên, Thủ tướng kỳ vọng các em với lợi thế được sinh ra trong thời đại khoa học công nghệ; với đam mê, hoài bão, sức khỏe, tri thức và năng lực sẽ góp phần tạo ra sự đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Góp phần khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, địa phương để tạo ra động lực đưa đất nước tăng tốc, bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Góp phần đưa đất nước vươn mình hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị (chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang đầy đủ, từ vị thế quốc gia đi sau sang trạng thái quốc gia vươn lên, tiên phong trong những lĩnh vực mới…).
“Mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước. Hãy không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng, làm chủ công nghệ và dấn thân với “tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ” – Thủ tướng khích lệ. Theo Thủ tướng, đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua trở ngại, ý chí dám nghĩ dám làm, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị. Do vậy, quá trình này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị kết nối cộng đồng.
Mê Tâm
Bình luận (0)