Sự kiện giáo dụcTin tức

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Ả-rập Xê-út hiện thực hóa tầm nhìn 2030

Tạp Chí Giáo Dục

Trả lời báo chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng hợp tác nhiều mặt với Ả-rập Xê-út, trong đó có hợp tác, ủng hộ trong quá trình triển khai Chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Ngày 19/10, bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ả-rập Xê-út ,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn của kênh tin tức tài chính Asharq Economy with Bloomberg về Chiến lược "Tầm nhìn 2030" của nước Ả-rập Xê-út.

Asharq Economy with Bloomberg đặt câu hỏi về việc Việt Nam có thể hỗ trợ, hợp tác như thế nào với Ả-rập Xê-út để góp phần giúp nước này hiện thực hóa Chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Chiến lược "Tầm nhìn 2030"  là chiến lược phát triển do Thủ tướng, Hoàng Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman công bố tháng 5/2016 nhằm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, mở cửa về văn hóa-xã hội… Chiến lược này được đánh giá là nhằm chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa tại Saudi Arabia.

thu tuong 2.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời phỏng vấn của kênh tin tức tài chính Asharq Economy with Bloomberg.

Trả lời câu hỏi, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự ngưỡng mộ, đánh giá cao Chiến lược "Tầm nhìn 2030" của Ả-rập Xê-út, tin tưởng nước này sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu trong chiến lược, đưa Ả-rập Xê-út trở thành trung tâm thương mại, tài chính, hàng không và du lịch hàng đầu tại khu vực Trung Đông và thế giới. 

Thủ tướng cho rằng, chiến lược, tầm nhìn và định hướng phát triển của hai nước tới năm 2030 có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển chủ yếu dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu tiên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…

Những kết quả hợp tác đã đạt được giữa hai nước là "rất đáng trân trọng", tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng hợp tác nhiều mặt với Ả-rập Xê-út, trong đó có hợp tác, ủng hộ trong quá trình triển khai Chiến lược "Tầm nhìn 2030", đề nghị hai bên tiếp tục triển khai chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hợp tác sau chuyến thăm.

Chiều 19/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp một số Bộ trưởng của Ả-rập Xê-út.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Faisal Al-Ibrahim, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ Việt Nam – Ả-rập Xê-út đang trên đà phát triển rất tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng hợp tác. Thủ tướng đề nghị hai nền kinh tế tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư, trong đó ưu tiên năng lượng, tài chính ngân hàng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mới như hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm Halal, chuyển đổi số…

Trong thương mại, Thủ tướng đề nghị hai bên tạo điều kiện cho mặt hàng thế mạnh của nhau thâm nhập vào thị trường mỗi nước; phối hợp trao đổi sớm giải quyết vướng mắc trong việc xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út.

7044998a0c9edbc0828f.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế- Kế hoạch Faisal Al-Ibrahim. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Faisal Al-Ibrahim cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp và Mỏ (Chủ tịch phân ban bên phía Ả-rập Xê-út trong cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Ả-rập Xê-út) để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là về thương mại-đầu tư. Ông nhấn mạnh hai nước có thể tận dụng thị trường của nhau để làm cửa ngõ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực.

Bộ trưởng mong muốn sớm thăm Việt Nam và hoàn tất đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác với các đối tác của Việt Nam.  

Để đạt được mục tiêu trên trên, hai bên nhất trí nghiên cứu thành lập các tổ công tác chung về kinh tế và sớm tổ chức kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 5 trong thời gian tới và nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế này trong rà soát và thúc đẩy hợp tác song phương. 

Cơ hội cho lao động Việt Nam làm việc tại Ả-rập Xê-út 

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ahmed AlRajhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lao động là lĩnh vực quan trọng, không thể thiếu trong hợp tác song phương, đặc biệt khi Ả-rập Xê-út đang triển khai nhiều dự án đô thị, cơ sở hạ tầng lớn… trong Chiến lược “Tầm nhìn 2030”.

4134bffae0ec37b26efd.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ả-rập Xê-út. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đề xuất hai bên tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, kết nối thị trường lao động, đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lao động nhằm hỗ trợ nhau bổ sung nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình phát triển đất nước. 

Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội cho biết. Ả-rập Xê-út có rất nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong sản xuất công nghiệp, năng lượng, y tế, du lịch…

Bộ trưởng đánh giá cao chất lượng lao động Việt Nam, trong đó có lao động tay nghề cao và khẳng định tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Bộ trưởng mong muốn hai bên phối hợp sớm giải quyết khó khăn về khuôn khổ pháp lý, hợp tác đào tạo và xây dựng cơ chế tuyển dụng hiệu quả để đưa thêm nhiều lao động Việt Nam sang Ả-rập Xê-út.

Tại buổi tiếp ông Yasser M.Mufti, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường nhất là trong lĩnh vực hóa dầu. Đặc biệt, Việt Nam thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, nên Thủ tướng mong muốn tập đoàn sẽ đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

dbe4f0b7ada17aff23b0.jpg

Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco. Ảnh: TTXVN

Ông Yasser M.Mufti cho biết hiện tập đoàn đang hoạt động rất tích cực tại khu vực châu Á Thái Bình Dương nhưng chưa có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Aramco đã cung cấp rất nhiều mặt hàng dầu thô cho doanh nghiệp ở Việt Nam. 

Vì vậy, chủ tịch Tập đoàn Aramco cũng mong muốn có được cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong xây dựng nhà máy lọc hóa dầu mới. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho đoàn kỹ thuật của công ty vào Việt Nam khảo sát và tìm hiểu thị trường. 

Theo Trần Thường/Vietnamnet

 

Bình luận (0)