Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng yêu cầu tăng cường điều kiện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho năm học mới…

 

Chiều 4-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục

 

Đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới

Chỉ thị nêu, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục – đào tạo. Ngành giáo dục đã tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao; chất lượng giáo dục  – đào tạo được nâng cao, đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, được tuyển dụng, từng bước bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chỉ thị cũng chỉ ra một số bất cập cần sớm được khắc phục như: Đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; tỷ lệ trường đạt chuẩn và tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp ở một số nơi còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn chưa bảo đảm.

Còn tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương; thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trình các cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục – đào tạo; nhất là chất lượng giáo viên ở tất cả cơ sở giáo dục – đào tạo, cả công lập và ngoài công lập.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên

Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục khuyết tật; điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Bộ GD-ĐT đồng thời rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm gắn với nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh tự chủ ĐH, nhất là tự chủ về tài chính; thực hiện tự chủ theo hướng thực chất gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2025.

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH; đẩy mạnh mô hình đào tạo không vì lợi nhuận bậc ĐH; phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Triển khai hiệu quả các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên; nhất là phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, an ninh trường học.

 

Cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa

Thủ tướng Chính phủ yêu cũng cầu Bộ GD-ĐT tăng cường trách nhiệm quản lí Nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa cho năm học mới 2024 – 2025.

Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo. Chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo thuận lợi cho học sinh.

Các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non

 

Có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 – 2025 theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao và có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giá viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nhất là kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học gắn với nâng cao chất lượng

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì được Thủ tướng giao tiếp tục thực hiện rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục; điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.

Hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương; bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày. Dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới. Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp.

Tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh, phụ huynh; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập…

Mê Tâm

Bình luận (0)