Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm vụ lật tàu du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 5.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp có mặt tại Đà Nẵng để nghe báo cáo vụ lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn đêm 4.6.

Tại buổi làm việc với Sở Chỉ huy tiền phương, sau khi nghe báo cáo toàn bộ vụ việc cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng đánh giá đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ việc vận chuyển quá tải. “Phải điều tra, khởi tố vụ án, xử lý nghiêm minh để răn đe, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy”, Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi gia đình nạn nhân 	 /// Ảnh: Trần Phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi gia đình nạn nhân. Ảnh: Trần Phương

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương trên toàn quốc rút kinh nghiệm nghiêm túc từ vụ tai nạn nghiêm trọng này, nhất là các địa phương có địa hình sông, biển; Tổng rà soát lại toàn bộ tình hình an toàn giao thông đường thủy trên toàn quốc, đặc biệt là việc trang bị áo phao và chở người đúng số lượng để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Thủ tướng cũng biểu dương công tác cứu nạn kịp thời, trách nhiệm. Đánh giá cao công tác phối hợp của lực lượng vũ trang Quân khu 5, biên phòng, công an… đặc biệt hoan nghênh ngư dân, người dân Đà Nẵng đã hỗ trợ lực lượng chức năng để tìm kiếm người gặp nạn trong tình thế hết sức khó khăn, phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm vụ lật tàu du lịch - ảnh 1

Tàu Thảo Vân 2 nguyên là ghe đánh cá cải hoán thành tàu du lịch Ảnh: Nguyễn Tú

Tàu du lịch “chui” chở khách xem cầu Rồng phun lửa
 
 
3 hành khách thiệt mạng
Trong số 56 hành khách và thuyền viên đi trên tàu bị lật, lực lượng chức năng đã cứu được 53 người. 3 du khách thiệt mạng gồm ông Phạm Tấn Cường (46 tuổi, quê Bình Định), hai chị em ruột là Trịnh Kim Phượng (7 tuổi) và Trịnh Tiến Huy (4 tuổi, cùng ở Thái Nguyên) đã được tìm thấy xác vào chiều 5.6. Còn các nạn nhân được điều trị tại bệnh viện sức khỏe đã tiến triển tốt.
 

Tại buổi họp báo trưa 5.6, rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm còn bỏ ngỏ. Theo UBND TP.Đà Nẵng, lúc 20 giờ 25 ngày 4.6, tàu du lịch Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa 0016 do Lê Công Chí (ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) điều khiển chở 56 người ngược sông Hàn để xem cầu Rồng phun lửa phun nước, vừa rời bến được 10 phút thì bị lật chìm ở vị trí cách cầu sông Hàn 200 m. Nguyên nhân là do tàu chở gấp đôi số người cho phép, bị mất cân bằng do quá nhiều người ngồi trên tầng 2, khi tàu nghiêng mọi người hoảng loạn dẫn đến tàu lật úp.

Đây là tàu được hoán cải từ ghe đánh cá, thuộc loại “tàu du lịch nhỏ nhất trên sông Hàn, dùng máy đời cũ công suất chỉ 24 CV”. Điều đáng nói, một con tàu du lịch mất an toàn (từng bị tai nạn chìm tàu năm 2014), chưa được cấp phép lại ngang nhiên bán vé 100.000 đồng/người, đón khách mỗi đêm ở ngay cầu cảng đường Bạch Đằng trung tâm thành phố. Và dù đêm 4.6 xảy ra tai nạn nhưng đến trưa 5.6 cơ quan chức năng mới nắm được chính xác trên tàu có tổng cộng 56 người!
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, cho biết theo nguyên tắc hàng hải, bất kỳ tàu nào xuất bến đều phải xin phép cảng vụ, trước đây là Cảng vụ Đà Nẵng, và hiện thuộc thẩm quyền Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT thành phố), là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý tàu thuyền xuất bến và số lượng khách.
Trong khi đó, Sở GTVT cho biết tàu này còn hạn đăng kiểm nhưng chưa được cấp phép vận tải hành khách, tự đón khách và chạy “chui”, khi xuất bến không trình báo Cảng vụ đường thủy nội địa và cơ quan liên quan.
Còn du khách Đặng Duy Hưng (ngụ Thái Nguyên) khẳng định áo phao cột chặt vào thành tàu, không ai được mặc, khi anh yêu cầu mặc cho 2 con gái thì nhân viên cho rằng “không cần thiết”.
Dừng hoạt động toàn bộ tàu du lịch trên sông Hàn
Ngay trong hôm qua, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo dừng hoạt động tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát. Ông Thơ khẳng định về quản lý hoạt động du lịch thì trách nhiệm thuộc về Sở Du lịch, nhưng về an toàn giao thông, đăng kiểm, quản lý hoạt động đường thủy thì trách nhiệm thuộc về Sở GTVT. Ông cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng ngay từ đầu thu thập bằng chứng về vi phạm của chủ tàu, tài công cũng như cơ quan ban ngành, đơn vị liên quan để trả lời những câu hỏi về trách nhiệm trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tàu chở 56 người trong khi đăng kiểm chỉ cho phép chở 28 người là vi phạm rất nặng. Ngoài ra, vi phạm nghiêm trọng của chủ tàu và lái tàu là dù chưa được Sở GTVT cấp phép hoạt động nhưng tài công Lê Công Chí, người được các cơ quan chức năng xác định là không có bằng lái đảm bảo hạng mức để vận hành con tàu (hiện đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra) vẫn cho tàu rời bến. Ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Ai cấp phép và cho con tàu này xuất bến là hoàn toàn sai quy định. Để tàu này hoạt động, trách nhiệm chính thuộc về Cảng vụ Đà Nẵng. Cá nhân nào để tàu này hoạt động sẽ bị xử lý nghiêm”.
Trả lời Thanh Niên, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.Đà Nẵng cho biết vụ việc đang được Bộ đội biên phòng TP thụ lý ban đầu. Khi Bộ đội biên phòng chuyển hồ sơ qua thì Công an TP.Đà Nẵng sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo luật định.
Chấn chỉnh hoạt động chở khách đường thủy
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, cho biết sáng qua lãnh đạo Bộ GTVT, các cục, vụ đã có mặt tại hiện trường tập trung cứu hộ, cứu nạn, rà soát lại xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.
Tuyến đường thủy nội địa ở sông Hàn là tuyến đường thủy quốc gia đã ủy quyền cho Sở GTVT Đà Nẵng quản lý giám sát, Sở giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng trực thuộc quản lý. Trong ngày hôm nay (6.6), Sở GTVT Đà Nẵng sẽ có báo cáo chi tiết vụ việc, liên quan đến bến, cảng nơi tàu xuất phát xem trách nhiệm từng bên đến đâu. “Tàu bị tai nạn chưa được cấp phép tàu du lịch nhưng tại sao vẫn hoạt động, hoạt động không phép sao vẫn được xuất bến, rồi lại vi phạm số người…”, ông Giang nêu vấn đề và cho biết tiếp tục chấn chỉnh hoạt động chở khách từ bờ ra đảo, giữa đảo với đảo, bến khách ngang sông. Toàn quốc hiện có hơn 2.000 bến khách ngang sông, hàng trăm điểm chở khách bằng tàu thuyền. Nhưng hiện tại du lịch biển đảo rất đông, trong khi kinh nghiệm, cơ sở vật chất lại đều “hỏng”, vì vậy phải tăng cường, có biện pháp siết chặt điều kiện kinh doanh.
Những tấm lòng đến với nạn nhân
Sáng 5.6, đại diện Báo Thanh Niên và Công ty TNHH MTV ẩm thực Trần Đà Nẵng đã đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, thăm, động viên và trao 3 phần hỗ trợ cho 3 cháu nhỏ đang điều trị tại đây, gồm: Phạm Vũ Hồng Phúc, Phạm  Vũ Phúc Hậu, Thanh Tâm, mỗi cháu 5 triệu đồng; trao cho 8 cháu khác mỗi cháu 2 triệu đồng.
Chiều cùng ngày, Công ty TNHH I.V.C (Đà Nẵng) đã đến chia sẻ mất mát với các nạn nhân vụ lật thuyền và hỗ trợ 3 trường hợp tử nạn (30 triệu đồng/trường hợp)
và 17 trường hợp bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng (2 triệu đồng/người).

Theo Thanh Niên

 

Bình luận (0)