Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thu về nhớ cơm lam Tây Bắc

Tạp Chí Giáo Dục

Không biết cơm lam có tự bao giờ nhưng trong ẩm thực của người Tây Bắc, cơm lam đã trở nên quen thuộc. Tháng 9, đất trời vào thu. Du khách đến Tây Bắc không chỉ để ngắm cảnh đẹp mà còn để thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc, trong đó có món cơm lam.

Ống nứa được lựa chọn tỉ mỉ để có món cơm lam ngon, ngọt

Thơm hương núi rừng

Món cơm lam phổ biến nhất với đồng bào người Thái nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Theo cách kể truyền miệng của người Tây Bắc, trong những lần lên nương vào rừng, họ phải tìm cách thuận tiện nhất để có cái ăn mang vào rừng. Lớn lên dưới sự chở che, bao bọc của mẹ thiên nhiên, những ruộng lúa bậc thang nuôi họ lớn lên qua năm tháng. Vậy là họ nghĩ ra cách tận dụng những gì có sẵn trong đất trời để tạo ra món cơm lam. Lam vừa có nghĩa là “nướng” theo tiếng Thái, vừa là sắc màu của ống nứa theo tiếng Hán-Việt. Đơn giản, mộc mạc nên mỗi khi đi rừng, người Tây Bắc chỉ việc mang theo ít gạo nếp, một chút muối vừng, nghỉ ở đâu thì chặt nứa lam cơm ở đó. Cơm chín, chỉ cần ít thịt khô hay bắt con thú rừng nướng trên lửa để ăn cùng với cơm lam. Thói quen đó được truyền lại cho biết bao thế hệ người Tây Bắc. Họ cũng có “biến tấu” cơm lam khi ăn kèm với những món ăn khác nhưng những gì tinh túy nhất của cơm lam thì vẫn không hề mất đi.

Mỗi độ tháng 9 cũng là mùa thu hoạch lúa nếp của đồng bào Tây Bắc. Để có món cơm lam đúng vị thì phải sử dụng gạo nếp đặc sản của vùng vúi. Loại gạo này chỉ trồng trên nương, trên những thửa ruộng bậc thang, mùi rất thơm, màu trắng ngà và rất dẻo. Nếu làm bằng loại gạo ở miền khác thì cơm lam mất đi những đặc trưng vốn có. Thế nên, khó có thể tìm đâu ra món cơm lam độc đáo và đậm đà hương vị như ở Tây Bắc khi dùng Nếp Tú Lệ, nếp nương Mường Lò… để chế biến cơm lam. Tháng 9, những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh gieo niềm vui trên đôi má hồng của những cô sơn nữ. Mùa lúa nếp bội thu, ăn món cơm lam càng ấm lòng. Ai đã một lần thưởng thức sẽ không quên được mùi thơm dễ chịu, hòa quyện trong không gian núi rừng. Ăn cơm lam mà cảm giác như được đứng giữa bạt ngàn Tây Bắc, có tiếng suối róc rách bên tai, có tiếng chim véo von đâu đó.

Ấm lòng người lữ khách

Tây Bắc là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch những năm gần đây. Đời sống của người dân Tây Bắc cũng dần được cải thiện khi họ biết làm du lịch, biết tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế. Chị Giàng Thị Sắng, một người dân ở Mộc Châu (Sơn La) nhiều năm làm nghề bán cơm lam cho du khách chia sẻ: “Từ ngày học làm du lịch, tôi và đồng bào có thêm cái nghề để kiếm kế sinh nhai. Người cho thuê quần áo, người xây homestay cho du khách… Tôi chọn bán cơm lam để giới thiệu một nét đặc trưng trong ẩm thực của người Tây Bắc đến du khách thập phương”.

Tách ống nứa ngay sau khi lấy ra từ bếp lửa

Món cơm lam theo chân người lên nương rẫy ngày ngày giờ đã trở thành món ăn không thể thiếu, mang niềm tự hào, mang lại kinh tế cho người dân Tây Bắc. Theo chị Giàng Thị Sắng, “khi làm món cơm lam cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ đến từng công đoạn thì mới có món cơm lam đúng chuẩn. Khó nhất là khâu chọn ống để nấu. Ngay từ công đoạn chọn nứa, người nấu cũng phải tinh tế. Nứa nhưng không quá non (đã ra được 4,5 lá), càng không được quá già. Ống nứa phải thon dài, không quá to không quá nhỏ, đường kính khoảng 3cm là vừa. Đoạn lưng chừng thân cây nứa được giữ lại để làm cơm lam vì đó là nơi chứa nhiều nước nứa, thứ nước tinh khiết trời ban”. Thế mới biết, muốn thực hiện món cơm lam đạt đến độ ngon, tinh tế quả là không đơn giản tí nào. Cơm lam còn mang nhiều tinh túy của đất trời Tây Bắc bởi mọi nguyên liệu, cách chế biến đều gần gũi với người dân nơi đây. Người dùng ống nứa, người dùng ống trúc, ống tre để làm ống lam. Mỗi loại ống lại có thêm một vị thơm riêng nhờ lớp vỏ lụa còn bám vào bề mặt cơm lam. Sẽ chẳng thể nào diễn tả hết được hương vị của cơm lam khi ăn lúc còn nóng. Tuy nhiên, cơm lam để đến bữa sau ăn cũng có vị ngon không kém vì cơm vẫn luôn dẻo, thơm.

Cơm lam được bày bán ở các khu du lịch

Tây Bắc mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng. Mùa thu, Tây Bắc thường có tiết trời se se lạnh, dịu mát. Trong không khí ấy, chỉ cần ăn miếng cơm lam trắng ngần chấm với muối vừng đậm đà cũng đủ để cảm nhận được tấm lòng người dân Tây Bắc thật thà, chất phác.

Yên Hà

 

 

 

Bình luận (0)