Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thú vị cùng… ngáp!

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ buồn ngủ, mệt mỏi, stress bạn mới ngáp mà ngay cả vui vẻ, phấn khích hay ở một số người là biểu hiện của sự ham muốn tình dục cũng… ngáp. Ngáp không chỉ là một động tác ngoác miệng ra mất lịch sự như nhiều người nghĩ mà đằng sau những cái ngáp ấy có rất nhiều điều thú vị…
Ngáp là một hoạt động vô thức, nằm ngoài sự điều khiển của con người và một số động vật. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì chỉ mới 20 tuần tuổi, bào thai đã biết ngáp trong bụng mẹ. Số lần ngáp của một người có thể là vài lần trong ngày, của người khác là vài chục lần và cũng có người ngáp cả trăm lần. Điều đó có nghĩa là muốn ngáp cũng không được, và ngược lại… 
Một cái ngáp thường không kéo dài quá 6 giây, rất nhanh nhưng lại liên quan đến nhiều trạng thái của cơ thể và gửi gắm nhiều thông điệp thú vị.   
Về mặt khoa học, ngáp được chia thành 5 loại:
Ngáp lúc ngủ dậy, thường kèm theo vươn vai và co duỗi chân tay;
Ngáp vì uể oải, buồn ngủ: lượng không khí đưa vào phổi tăng lên có tác dụng làm giảm cơn buồn ngủ, tăng sự tập trung;
Ngáp vì đói, kèm theo một số chuyển động ở ổ bụng và cơ hoành;
Ngáp vì ưu phiền;
Ngáp do lây: cơ chế của loại này còn đang gây nhiều tranh cãi.
Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến chúng ta ngáp, mà giả thuyết nào cũng khá thuyết phục. Chẳng hạn, khi cơ thể tích tụ nhiều khí carbonnic làm ta uể oải, não sẽ điều khiển để ta ngáp nhằm loại trừ chất độc đó đi, đồng thời cái hít vào thật sâu sau khi ngáp sẽ mang một lượng ôxy tươi mới qua phổi, vào máu, lên não, nhờ thế, ngáp xong phần nào tỉnh táo trở lại. Ngáp còn được coi là cách cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ máu một cách tức thời. Lại có giả thuyết cho rằng các trạng thái tình cảm, tâm lý như buồn bực, giận dỗi… làm xuất hiện trong não hàng loạt hóa chất dẫn truyền thần kinh. Muốn giải phóng các chất này không gì tốt bằng ngáp.
Thật ra, ngáp là một hành động khó kiểm soát nên nếu nói nó là thông điệp cố ý thì không chính xác, nhưng có vẻ như người xưa đã nhận ra rằng ngáp và tình dục liên quan khá mật thiết, nhất là sự ham muốn chuyện gối chăn của nam giới. Ngáp sẽ đạt được một mũi tên trúng hai đích, vừa làm cho "cậu nhỏ" được hoạt động vừa giúp cho thần kinh được thông thoáng, như thế sẽ giúp cho chuyện ấy của phái mạnh sung hơn. Những người hay ngáp thường có hàm lượng testosterol cao, đồng nghĩa với việc có khả năng yêu đương cũng cao hơn.
Tuy nhiên, dù ngáp vì nguyên nhân gì thì lượng không khí đưa vào phổi cũng tăng lên đáng kể, giúp lưu thông và làm sạch phổi, rất tốt cho sức khỏe. Có điều, khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng của chúng ta co mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt, khiến nước mắt đầm đìa, đó cũng là câu trả lời cho tại sao khi ngáp lại chảy nước mắt. Ngáp cũng có thể bị lây kiểu như là dây chuyền, chẳng hạn ở nơi công cộng, trong một cuộc họp, nếu có một người ngáp, nếu người khác nhìn thấy cũng có thể bị ngáp luôn – hiện tượng này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, chụp não người khi họ ngáp và nhận thấy một hoạt động não đặc biệt trong vùng liên quan tới sự bắt chước. Ngáp cũng thể hiện đẳng cấp văn hóa… Vì thế, khi ngáp chúng ta cần lưu ý che miệng, nhất là khi ở nơi công cộng, chỗ đông người… Việc che miệng khi ngáp không chỉ là nét văn hóa, biểu hiện sự tôn trọng với mọi người xung quanh, mà còn tránh lây lan các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như lao, cúm…
Với những điều thú vị trên, còn chần chừ gì nữa, nào chúng ta hãy cùng ngáp!
ThS. Hà Hùng Thủy (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)