Trong khi Bộ GD-ĐT chưa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho HS phổ thông, thì tại TP.HCM một trường tư thục đã tự biên soạn bài giảng và đưa vào dạy chính thức…
Sau tiết học “ngại giao tiếp với người lạ” của HS lớp 9A1, các em đã không ngần ngại đến trao đổi với thầy phó hiệu trưởng – Ảnh: H.HG.
|
Tiết học môn kỹ năng sống của lớp 9A1 Trường THPT tư thục Thái Bình (TP.HCM) bắt đầu bằng việc chia nhóm. “Các em sẽ không ngồi theo nhóm cũ nữa mà bốc thăm, trúng nhóm nào sẽ ngồi nhóm đó” – vừa nói cô Thanh Ngọc vừa cho HS bốc thăm. Tựa đề “Cách làm quen và giao tiếp với người lạ” được cô viết lên bảng. Cô nói: “Bây giờ mỗi nhóm sẽ thảo luận trong năm phút, nêu ra những tình huống các em cần phải làm quen và giao tiếp với người lạ”.
Hàng loạt tình huống được nêu ra, nào là đi dự tiệc, cắm trại, chuyển nơi ở mới, du học… Cô giáo kết luận: “Mục đích của việc làm quen – giao tiếp với người lạ là trao đổi thông tin, mở rộng mối quan hệ, nhờ ai đó giúp đỡ mình… Việc thiết lập được các mối quan hệ là nền tảng dẫn đến sự thành công của mỗi người”.
Tiết học thú vị
Thế nhưng các HS đã kể ra vô số lý do “ngại giao tiếp với người lạ”: vì thiếu tự tin, thiếu kỹ năng, cho rằng mình không giỏi giao tiếp, người ta khó gần, không hiểu mình và có suy nghĩ khác biệt với mình…
Ông Trần Văn Đại Lợi (phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình):
“Ở Trường Thái Bình, kỹ năng sống là môn học "mở” (chương trình học được bổ sung, thay đổi tùy theo thời cuộc và nhu cầu, sự quan tâm của HS) vì không bị bó buộc bởi quy định hay thời gian. 100% HS Thái Bình học 2 buổi/ngày nên việc mỗi tuần các lớp sẽ học hai tiết kỹ năng sống cũng không có gì khó khăn.
Ngoài đội ngũ giáo viên sở tại, nhà trường còn mời những chuyên viên, chuyên gia dạy các bài đặc thù như: kỹ năng ứng phó với thiên tai, hỏa hoạn, kỹ năng dựng lều trại, kỹ năng quản trò… Môn học cũng được đánh giá cho điểm như một học phần của môn giáo dục công dân”.
|
Một lần nữa cô giáo khẳng định: “Để chủ động làm quen với người khác, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ. Nếu không sẽ không tìm được cơ hội mới”. “Khi làm quen với một người lạ, các em mong muốn họ có thái độ như thế nào đối với mình?” – “Dạ, sự thân thiện”, “Thái độ vui vẻ nữa cô”, “Sự chân thành và đối đáp thú vị ạ”… “Các em không mong muốn điều gì?” – “Em rất sợ gặp phải thái độ dửng dưng”, “Em sợ thái độ khó chịu”, “Em ghét sự cộc cằn”, “Em ghét sự kiêu căng, khoe khoang”…
Cô giáo lên giọng: “Bây giờ các em sẽ qua hoạt động trải nghiệm nhé, trong vòng năm phút mỗi bạn trong lớp phải nói chuyện được với ít nhất ba người mà trước đó mình ít tiếp xúc (kể cả các thầy cô đang dự giờ lớp học của chúng ta hôm nay), đồng thời tìm ra ít nhất một điều đặc biệt của người đó”. Cả lớp sững ra vài giây, nhìn các thầy cô một cách ngại ngần và rồi khá nhiều em chọn làm quen với… thầy phó hiệu trưởng.
Nhận biết bản thân
Theo ông Trần Văn Đại Lợi – phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình: “Môn kỹ năng sống đã được đưa vào thời khóa biểu chính thức của trường, giảng dạy cho HS lớp 6 đến lớp 12 từ năm học 2007-2008. Xuất phát từ mục đích tạo dựng nhân cách, bản lĩnh cho HS trong cuộc sống, chúng tôi đã đi tham quan, học tập ở Úc, Singapore… sau đó biên soạn chương trình cho phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS”.
Chưa thể làm một cuộc khảo sát cụ thể nhưng tất cả HS chúng tôi đã gặp (một cách tình cờ) ở Trường Thái Bình đều trả lời giống nhau: “Rất thích môn kỹ năng sống”. “Vì nó gần gũi thực tế, em có thể áp dụng ngay vào cuộc sống như: sắp xếp không gian sống, giới thiệu bản thân trước đám đông, kỹ năng gọi và nghe điện thoại…” – HS Mai Thị Lâm Linh, lớp 8A1 cho biết.
Còn HS Võ Hoàng Tuấn, lớp 11A3, thì: “Tiết học kỹ năng sống thường diễn ra vui vẻ, nhẹ nhàng, dễ tiếp thu và thật sự bổ ích. Sau khi học về cách giao tiếp, ứng xử, nói chuyện trước đám đông… em thấy tự tin hơn hẳn. Riêng bài học về sơ đồ tư duy, cả lớp em bạn nào cũng thích, áp dụng ngay trong việc soạn bài, ôn bài…”.
Trong khi đó, HS Nguyễn Thị Mỹ Duyên, lớp 10A1, lại tâm đắc với bài học “nhận biết bản thân”: “Học bài này xong em thấy quý trọng bản thân mình hơn, biết cách tự hoàn thiện bản thân và đề ra hướng phấn đấu cho mình”.
Giáo viên Đoàn Thị Minh Diễm – thành viên nhóm biên soạn chương trình kỹ năng sống, Trường Thái Bình – tâm sự: “Đặc thù của HS trường tôi phần lớn là con em gia đình khá giả, ngoài giờ học, khi về nhà các em được phục vụ hoặc cha mẹ đi làm ăn xa, ít ở nhà… Chương trình kỹ năng sống chúng tôi biên soạn nhằm cung cấp cho các em những kỹ năng đời thường như: khi bị sốt phải làm sao, ủi đồ phải như thế nào, kỹ năng tự học, tự bảo vệ bản thân…”.
Ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Giảng dạy kỹ năng sống cho HS là yêu cầu bức thiết không chỉ của bản thân HS mà của toàn xã hội. Hiện nay, những nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống AIDS, ma túy… cũng đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp và lồng ghép vào một số tiết học phù hợp chứ chưa đưa vào thời khóa biểu chính thức. TP.HCM cũng đang mong có một chương trình giáo dục kỹ năng sống và đưa vào giảng dạy chính thức cho HS phổ thông”.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)