Theo chân các sĩ tử mới thấy, thư viện của nhiều trường đại học ở Hà Nội hiện nay mang tính… thời vụ: vắng hoe ngày thường và quá tải mùa thi. Công tác phục vụ, nguồn tài liệu… trên thư viện cũng chưa… tiện cho sinh viên.
Trên thư viện ĐH Xây dựng những ngày gần thi vẫn…. trống vắng. Ảnh: Đỗ Hợp |
Thư viện điện tử = 20 máy + nối internet?
Đại học Kinh tế Quốc dân có hơn 26.000 sinh viên nhưng chỉ có khoảng 200 chỗ ngồi trên thư viện. Nguyễn Minh Khuyến, sinh viên năm ba, học khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế, cho biết, đến mùa thi, sinh viên phải chạy đua để kiếm một chỗ ngồi trên thư viện.
Khuyến cho biết, thư viện của trường có phòng tra cứu, phòng đọc tạp chí, phòng tinternet nhưng không phòng nào đủ hấp dẫn để giữ chân Khuyến trong 30 phút. Phòng Internet (để tìm đầu sách) chỉ có 20 máy vi tính nhưng mạng chậm hơn ở nhà.
“Dùng máy tính một lần chán ngay. Mình thỉnh thoảng mới lên thư viện để tìm tài liệu tham khảo, nhưng tải tài liệu về đọc cũng không copy được về nhà học vì máy tính không có ổ cắm USB”- Khuyến nói.
Cả thư viện chỉ có 20 máy tính, trong khi "quân số" sinh viên của trường gần ba vạn người. Thế nhưng, theo Khuyến, ngày thường vẫn còn thừa nhiều chỗ trống.
Trường Đại học Xây dựng cũng có hàng vạn sinh viên nhưng thư viện cũng chỉ có khoảng 200 chỗ ngồi. Chỗ ít, người nhiều, vậy nhưng thư viện cũng chỉ “ấm” vào mùa thi. Tuyết Hạnh, sinh viên năm ba, Khoa Kinh tế cho biết, lên thư viện “bất đắc dĩ” do tài liệu chưa phong phú, quy định của trường có nhiều cái… lạ lùng.
“Giáo trình thì chỉ được mượn trong một buổi, nếu có việc gì không đi được thì học… chay cả kỳ. Vào phòng đọc, sinh viên năm này thì được đọc loại sách gì tương ứng. Mình học năm ba nhưng muốn đọc sách “vượt cấp” không được sao?”- Hạnh bức xúc.
Đại học Công đoàn cũng có bốn tầng thư viện dành cho sinh viên. Tuy nhiên, những ngày này, thư viện cũng còn vắng vẻ, ảm đạm. Thư viện có phòng máy ở tầng một nhưng, theo nhiều sinh viên, thường đóng im ỉm suốt.
Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Quốc Gia Hà Nội là những trường đi đầu có thư viện điện tử cho sinh viên: “Thực chất chỉ là phòng có mấy chục máy được kết nối internet nhưng rất chậm, làm gì cũng bị kiểm soát. Sinh viên copy tài liệu mà lén lút và bị hạn chế vì sợ nhiễm vi rút”- Đình Tuấn, sinh viên công nghệ thông tin đang học một trường đại học ở Hà Nội cho biết.
Biến phòng đọc thành phòng học
Vì thái độ phục vụ chưa cởi mở, tài liệu chưa phong phú… ở thư viện các trường đại học dẫn tới việc sinh viên không mặn mà với thư viện. Vì thế, thư viện "vắng như chùa bà đanh" ngày thường nhưng lại quá tải vào mùa thi, khi sinh viên cần chỗ… ngồi học.
Nguyễn Văn Thuận, sinh viên Khoa CNTT, ĐH Bách Khoa cho biết: “thư viện các trường đang làm cho có. Thư viện phải xác định là nhà cung cấp dịch vụ cho sinh viên mới phải, nhưng đại đa số các thư viện chưa biết sinh viên cần gì, muốn gì và làm thế nào cho hiệu quả”.
Thuận cũng cho hay, cứ đến gần ngày thi, Thuận và các bạn mới lên thư viện học nhóm vì không gian yên tĩnh: “Chúng mình cần có cả khu phòng với chức năng học nhóm, có thể bàn bạc nhau nhưng thư viện giờ chưa đáp ứng được. Tất cả phòng nào cũng giống nhau”.
Thư viện của trường Đại học Công đoàn có bốn tầng nhưng chỉ có khoảng hơn 100 chỗ ngồi cho sinh viên. Theo sơ đồ của thư viện, có quầy sách sinh viên, phòng đọc sách, kho sách – thư viện, phòng đọc giáo trình, phòng đọc sách của sinh viên, phòng đọc luận văn. Tuy nhiên, ba trong tổng số phòng đó bị “lấn chiếm” làm phòng học.
“Trước đây còn có nhiều phòng để cho sinh viên lên đọc, học bài thì nay nhiều phòng bị chuyển nhượng. Đơn cử là một phòng ở tầng ba và hai phòng của tầng bốn làm nơi học của sinh viên”- Đỗ Thắm, sinh viên của trường cho biết.
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Bình, Viện trưởng viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (Bộ GD&ĐT): “Quỹ đát dành cho các trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, lấn chiếm khá nghiêm trọng. Đơn cử là trường ĐH Bách Khoa HN với 34 ha theo quy hoạch của Liên Xô trước đây cùng khu Đông dương học xá cũ được thiết kế cho công suất 2.000 sinh viên vào những năm 60 thì tới nay diện tích đất còn lại không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã hơn gấp 10 lần”.
|
Đỗ Hợp/ TPO
Bình luận (0)