Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Thư viện đồ chơi”: Mô hình cần được nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Các bé say mê chơi đồ chơi ở thư viện trong ngày khánh thành
Tương tác với đồ chơi giúp trẻ rèn luyện và phát triển kỹ năng, vượt qua “chấn thương tâm lý”, chuẩn bị hành trang để trẻ bước vào tiểu học là những kỳ vọng ở mô hình “Thư viện đồ chơi” vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Giúp trẻ phát triển
“Thư viện đồ chơi” dành cho trẻ phát triển bình thường lẫn trẻ chậm phát triển hoặc khuyết tật. Thư viện này gồm 156 món đồ chơi đa phần bằng gỗ cao cấp được nhập từ nước ngoài, gồm nhiều bộ như bộ xếp hình khối, bộ y tế, bộ đồ dùng gia đình, bộ xếp cầu vồng, bộ bàn tính, bộ rau củ – trái cây, bộ sửa nhà…
Với khối lượng đồ chơi phong phú, mô hình thư viện đồ chơi này sẽ giúp trẻ từ 12-18 tháng tuổi trở lên phát triển về các lĩnh vực gồm nhận thức (tập bắt chước, bắt đầu phát triển các mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả), vận động tinh (cầm nắm và thả đồ vật chính xác hơn, bắt đầu biết kéo và đẩy hoặc xoay và vặn), vận động thô (biết giữ thăng bằng hoặc đứng vững, bắt đầu tập đi), cảm xúc xã hội (bắt đầu tách khỏi người chăm sóc hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn thích được quan tâm, thích khám phá và chơi trò mạo hiểm), giao tiếp (bắt đầu nói những từ đơn giản, bắt đầu hiểu được ngôn từ đơn giản).
Theo đó, trẻ em tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình sẽ là đối tượng đầu tiên được thụ hưởng lợi ích từ mô hình này. Cô giáo Nguyễn Hoàng Ngọc Thủy của trung tâm cho hay, chương trình cho trẻ chơi đồ chơi tại thư viện sẽ được chia thành 4 giờ chơi trong ngày. Trung bình mỗi giờ có 5 bé được tham gia chơi. Mỗi bé sẽ được một giáo viên hoặc một tình nguyện viên của Tổ chức WWO (Worldwide Orphans Foundation) hay đơn vị tài trợ hướng dẫn. Theo cách tính này, mỗi bé sẽ được chơi khoảng 2 lần/tuần. Đặc biệt đối với những trẻ kém vận động, chậm phát triển thì số lần chơi sẽ được tăng lên khoảng trên 3 lần/tuần. Riêng đối với những trẻ bị khuyết tật nặng, không thể di chuyển đến thư viện, thì các tình nguyện viên sẽ mang đồ chơi đến tận phòng và chơi cùng các em.
Chị Nguyễn Thị Chi, một tình nguyện viên đến từ WWO cho biết, mô hình thư viện phong phú này giúp trẻ học kỹ năng khi vui chơi, và việc giữ gìn vệ sinh các bộ đồ chơi cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Cụ thể, những đồ chơi các bé chơi sau một giờ học đều được sát khuẩn bằng giấm, bằng dung dịch y tế hoặc được lau bằng loại giấy có chứa sẵn dung dịch sát khuẩn được nhập về từ Mỹ. Sau khi được vệ sinh sạch sẽ, các bộ đồ chơi sẽ lại được sắp xếp lên các kệ trong thư viện một cách ngăn nắp để phục vụ cho trẻ ở những giờ chơi tiếp theo.
Hy vọng mô hình được nhân rộng
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình hiện nuôi dưỡng 196 trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi. Trong đó có 70 em với các tình trạng bại não, chậm phát triển, não úng thủy, đa dị tật. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc trung tâm, vai trò của mô hình “Thư viện đồ chơi” là rất cần thiết và quan trọng với trẻ. Và điều kiện tiên quyết để dự án này được thực hiện như hôm nay là nhờ có sự chung tay góp sức của Tổ chức WWO cùng với sự tài trợ của Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Bà Melissa Willock, Giám đốc chương trình WWO về mô hình “Thư viện đồ chơi” của tổ chức này khẳng định bà ủng hộ ý kiến của lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM về biện pháp can thiệp sớm ở lứa tuổi phát triển đầu đời của trẻ và khẳng định: “Mô hình “Thư viện đồ chơi” cũng là biện pháp can thiệp sớm trong độ tuổi đầu đời của trẻ. Mô hình này góp phần chuẩn bị cho trẻ sức bật mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, đồng thời trang bị cho trẻ các kỹ năng cần thiết và sự tự tin để trẻ bước vào tuổi tiểu học. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng cho trẻ ở tuổi đầu đời một nền tảng vững vàng hầu mai sau trẻ sẽ trở thành người sống độc lập và mạnh mẽ, đóng góp phần mình cho cộng đồng xã hội và đất nước mình”.
Tâm nguyện của những người thực hiện mô hình “Thư viện đồ chơi” đều có chung một ước mong sẽ đem đến sự thay đổi tích cực cho các trẻ em ở trung tâm và họ cũng mong chờ đến ngày mô hình này sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi, nhằm góp phần nâng đỡ những trẻ em bị thiệt thòi.
Bài, ảnh: Bích Vân
Một mô hình ý nghĩa
“Thư viện đồ chơi” là một mô hình đã được WWO triển khai ở nhiều quốc gia và là một trong những mô hình can thiệp của dự án “Chăm sóc toàn diện cho trẻ khuyết tật” do tổ chức này thực hiện tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình.
Dự án đã và đang can thiệp toàn diện cho hơn 100 trẻ em mồ côi và trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại Trung tâm Tam Bình từ năm 2012, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ và nhân viên trung tâm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ một cách hiệu quả. 
 
 

Bình luận (0)