Chỉ cần chiếc điện thoại hoặc máy tính, bạn đọc có thể đọc được tài liệu có tại Thư viện số Nguyễn An Ninh – chuyên đề Nam bộ. Đây là thư viện số đầu tiên được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng Quỹ Hoa Sen thực hiện nhằm phục vụ bạn đọc trong thời đại số.
TS. Quách Thu Nguyệt (một trong những người sáng lập thư viện) chia sẻ về Thư viện số Nguyễn An Ninh – chuyên đề Nam bộ
Nơi chứa tư liệu về Nam bộ
Thời đại công nghệ số đã làm thay đổi thói quen đọc. Thay vì đọc sách, tài liệu truyền thống, bạn đọc có xu hướng đọc sách điện tử, sách nói, sách tương tác… Đây là xu hướng yêu thích, hấp dẫn người đọc, nhất là người đọc trẻ.
Thư viện số Nguyễn An Ninh được xem là thư viện mở, thuận tiện, người dùng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi mà không cần phải đi đến tận thư viện. Điểm đặc biệt, thư viện không phải tốn không gian để chứa nguồn tài liệu khổng lồ vì tất cả chỉ gói gọn trong phần mềm ứng dụng của trang web đi kèm với các thiết bị như máy tính, iPad, màn hình TV, điện thoại thông minh.
TS. Quách Thu Nguyệt (một trong những người sáng lập thư viện) cho biết, Thư viện số Nguyễn Anh Ninh gói gọn với một chủ đề về Nam bộ. “Trước mắt, chúng tôi muốn giới hạn nguồn sách và tài liệu lưu trữ phục vụ bạn đọc trong phạm vi vùng đất phía Nam. Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn tạo sự khác biệt về nguồn sách, tài liệu so với các thư viện quốc gia, tỉnh thành, trường học và thư viện cộng đồng”, TS. Nguyệt chia sẻ.
Với lịch sử hình thành hơn 300 năm, mảnh đất phía Nam vẫn chứa đựng bao điều mới lạ, cần được người dân trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ khám phá thông qua những tư liệu về sách vở, các công trình nghiên cứu, các tài liệu về lịch sử, địa lý, con người, văn hóa… Gần nửa thế kỷ từ ngày đất nước hòa bình, tiềm năng phát triển mảnh đất phía Nam cần được khơi gợi, đánh thức, khai thác, phát huy, kết nối những thế mạnh, nguồn lực khu vực vùng. Từ đó tạo sức bật trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước Việt Nam trong hiện đại và tương lai.
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, Thư viện số Nguyễn An Ninh – chuyên đề Nam bộ là một công trình rất tâm huyết, đòi hỏi sự kiên trì của những người thành lập. Như vậy mới giới thiệu những giá trị lịch sử truyền thống, con người và vùng đất Nam bộ đến với người dân.
|
Hiện tại, Thư viện số Nguyễn An Ninh có những danh mục sách như: Lịch sử, văn học, nhân vật, văn hóa nghệ thuật, tạp chí – báo, kỷ yếu khoa học, tài liệu khác, phim tài liệu, tranh ảnh, video Nam bộ quen mà lạ. Chỉ cần vào thư viện là bạn đọc có thể dễ dàng chọn cuốn sách, tài liệu về Nam bộ mà mình cần. Có thể kể đến một số cuốn sách tiêu biểu như: “Một số vấn đề về văn hóa tộc người ở Nam bộ và Đông Nam Á”; “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam bộ: Kỷ yếu hội thảo khoa học (tập 1)”; “Nghề luyện kim cổ ở Đông Nam bộ”; “Đất Gia Định – Bến Nghé xưa và người Sài Gòn: Biên khảo”… “Những nguồn sách, tư liệu được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những gia đình, người thân của tác giả gửi tặng như: Gia đình của cụ Nguyễn An Ninh, gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà…”, TS. Nguyệt chia sẻ.
Lan tỏa thư viện đến giới trẻ
Theo ông Trịnh Hữu Anh – Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay thì Thư viện số Nguyễn An Ninh – chuyên đề Nam bộ là sáng kiến hay, hữu ích và chứa đựng nhiều tư liệu về Nam bộ xưa. “Rõ ràng chúng ta thấy việc số hóa nguồn tư liệu này không chỉ giúp bảo quản tư liệu lâu dài mà còn góp phần xây dựng văn hóa đọc cho người dân”, ông Hữu Anh chia sẻ.
Để Thư viện Nguyễn An Ninh ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả, ông Hữu Anh cho rằng, ngoài nguồn sách, tư liệu hiện có thư viện cần bổ sung thêm tư liệu mới để thu hút bạn đọc. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông để bạn đọc biết đến thư viện số và sử dụng. “Tôi tin rằng, thư viện sẽ là nơi để các nhà nghiên cứu, bạn đọc tìm hiểu. Từ đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến rộng rãi công chúng”, ông Hữu Anh kỳ vọng.
Không gian trải nghiệm về văn hóa Nam bộ cho giới trẻ
TS. Nguyệt cho hay, trước mắt những người sáng lập thư viện sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển thư viện, bổ sung tư liệu quý. “Chúng tôi cam kết đảm bảo yếu tố về Luật Bản quyền và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, những người thành lập thư viện cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến thư viện như: Xây dựng không gian trải nghiệm về Nam bộ tại Đường sách TP.HCM; mỗi tháng tổ chức một chuyên đề, chuỗi talkshow về Nam bộ… Qua đó, chúng tôi không chỉ quảng bá về thư viện mà còn phổ biến tư liệu về văn hóa Nam bộ và kêu gọi các bạn trẻ có thể sáng tạo từ nguồn tư liệu Nam bộ để lan tỏa đến bạn đọc”, TS. Nguyệt nói.
Bên cạnh đó, Quỹ Hoa Sen sẽ xúc tiến trao đổi bản quyền với các tác giả, nhà biên kịch, hãng phim, đài truyền hình về các sách, kịch bản phim, phim tài liệu, phim truyện về Nam bộ… để đưa vào thư viện số. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái Thư viện số Nguyễn An Ninh trong phạm vi 23 tỉnh, thành phía Nam. Từ tháng 10-2024 đến 10-2025, Thư viện số Nguyễn An Ninh sẽ phục vụ mở rộng tài liệu số, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, khai thác chuyên sâu, thương lượng bản quyền nguồn tư liệu số.
Hồ Trinh
Bình luận (0)