Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thư viện tìm cách đưa sách đến bạn đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm qua, ngành thư viện đã góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển của văn hóa đọc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động của thư viện tại TPHCM gần như “đóng băng”, không thể phục vụ tại chỗ.

Thư viện quận Tân Bình thực hiện chương trình đưa sách  đến tay bạn đọc trong vùng phong tỏa, cách ly của quận
Thư viện quận Tân Bình thực hiện chương trình đưa sách đến tay bạn đọc trong vùng phong tỏa, cách ly của quận

Thay đổi cách phục vụ
Cuối năm nay, chị Thanh Tuyền (ngụ quận 8) sẽ bảo vệ thạc sĩ tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, tuy nhiên luận văn của chị chưa biết lúc nào sẽ hoàn thành. Lý do chính là vì thư viện của trường đã ngưng phục vụ trực tiếp. Dù thư viện của trường cũng đã thực hiện việc số hóa, nhưng nguồn tài liệu này vẫn ít, không đủ phục vụ đề tài chị đang làm.
Chị Thanh Tuyền chỉ là một trong số rất nhiều bạn đọc không thể đến thư viện trong những ngày này. Từ tháng 3-2020, Thư viện quận Tân Bình (2G Nguyễn Hiến Lê, phường 13, quận Tân Bình) được trưng dụng làm khu cách ly, phải chuyển qua Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình (448 Hoàng Văn Thụ, phường 4). Về nơi mới, không gian bị hạn chế nên việc phục vụ bạn đọc cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Bùi Thị Yến, Chủ nhiệm Thư viện quận Tân Bình, cho biết, không thể phục vụ tại chỗ nên thư viện buộc phải thay đổi. Theo đó, bạn đọc chọn tài liệu rồi thư viện hỗ trợ bằng cách gửi sách tới nhà thông qua các shipper. Tuy nhiên, giải pháp này không kéo dài được lâu khi toàn thành thực hiện Chỉ thị 16. Vào cuối tháng 7 năm nay, thư viện quận phối hợp với Quận đoàn Tân Bình tổ chức chương trình “Sách trao tay – Đọc – Học ngày giãn cách”. Chương trình đã trao tặng 2.500 đầu sách và gửi 500 phần quà nhu yếu phẩm đến các hộ dân trong khu vực phong tỏa, cách ly trên địa bàn quận. Cùng với đó là hơn 500 tờ rơi hướng dẫn bạn đọc truy cập vào các đường link để đọc sách online miễn phí tại nhà.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2001, đến nay tổ chức Room to Read (RtR) Việt Nam đã thiết lập được 1.988 thư viện (chưa tính 565 thư viện do địa phương thực hiện theo mô hình của RtR). Từ năm ngoái, khi xuất hiện dịch Covid-19, RtR đã chuyển đổi các lớp tập huấn cho giáo viên – nhân viên thư viện sang hình thức trực tuyến để thiết lập thư viện và giảng dạy tiết đọc thư viện linh hoạt tại địa phương.
Nắm bắt thời cơ  
Trong hơn 1 năm qua, chuyển đổi số đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có ngành thư viện. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 206/QĐ-TTg). Nếu biết nắm bắt thời cơ, đây được xem là bước tiến quan trọng để các thư viện tạo đột phá trong việc phục vụ độc giả.
Bên cạnh thay đổi hình thức hoạt động, theo chị Đoàn Bảo Châu (đại diện của RtR Việt Nam), đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ phát triển Thư viện Mây (Literacy Cloud) – thư viện sách tranh trực tuyến do RtR thực hiện và đưa thư viện đến gần hơn với thầy cô và phụ huynh. Thư viện hiện có hơn 2.000 đầu sách với 28 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có 80 tựa sách tiếng Việt. Thư viện còn có kho tài liệu/video giới thiệu các phương pháp đọc sách cho trẻ một cách khoa học và hấp dẫn tại địa chỉ: https://literacycloud.org/. “Vào ngày 14-9, chúng tôi sẽ có buổi livestream trên Facebook Room to Read Việt Nam ra mắt Thư viện Mây và hướng dẫn cách sử dụng thư viện chi tiết và sinh động”, chị Đoàn Bảo Châu cho biết. 
Theo ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, từ đầu năm đến nay, thư viện mới đạt 26% lượng bạn đọc đến thư viện, khoảng 40% tài liệu giấy phục vụ tại chỗ so với kế hoạch năm. Không thể phục vụ trực tiếp, thư viện chuyển hướng tăng cường phục vụ trực tuyến và đã có những tín hiệu tích cực khi lượt truy cập tăng gần 1,3 triệu, còn lượt tài liệu tăng 1,7 triệu so với năm ngoái. Nói về việc chuyển đổi số đối với ngành thư viện, ông Bùi Xuân Đức cho rằng, các nước trên thế giới đã làm việc này từ rất lâu với khái niệm “thư viện không tường”. Trước khi thực hiện dự án số hóa của Sở TT-TT, đơn vị của ông đã số hóa được hơn 2,4 triệu trang/50.577 tựa sách, tài liệu dự án đang làm là 3,8 triệu trang.
Thực tế cho thấy, việc số hóa đòi hỏi hạ tầng thông tin phải tốt, thiết bị hiện đại. Muốn được như vậy cần có kinh phí lớn. Một khó khăn nữa là vấn đề bản quyền. “Chúng tôi đang lựa những tài liệu, tư liệu hết bản quyền. Trước đây, thư viện phục vụ dạng giấy đã mua bản quyền, nhưng sang dạng số thì phải xin phép. Vừa rồi, chúng tôi có kiến nghị Bộ VH-TT-DL, nếu phục vụ miễn phí thì nên tạo điều kiện về bản quyền để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Còn nếu kinh doanh thì phải thực hiện theo Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ”, ông Bùi Xuân Đức bày tỏ.
HỒ SƠN (theo SGGP)

Bình luận (0)