Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Thư viện trong kỷ nguyên số

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang rút ngắn tối khoảng cách giữa thế giới thật và ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, điều đó tác động không nhỏ đến hoạt động thông tin – thư viện.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tìm tư liệu tại Trung tâm Học liệu và Truyền thông của trường

Vấn đề này được nhiều đại biểu làm công tác thư viện đến từ các trường CĐ, ĐH trong cả nước đưa ra phân tích tại hội thảo “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động thông tin – thư viện”, vừa được Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tổ chức.

Cơ hội và thách thức

Cuộc CMCN 4.0 dựa trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý hầu như tác động đến tất cả các mặt trong đời sống con người. Trong đó giáo dục ĐH là một lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn. Với những yêu cầu đặt ra từ chất lượng đào tạo đến nhân lực đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội buộc giáo dục ĐH phải có những thay đổi về tầm nhìn chiến lược cũng như chính sách đào tạo. Ngành thông tin – thư viện đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục ĐH cũng buộc phải có nhiều thay đổi, từ hình thức đơn thuần đáp ứng nhu cầu mượn, đọc sách sang vai trò cung cấp thông tin, tư liệu, kiến thức… phục vụ học và dạy học.

Theo TS. Huỳnh Mẫn Đạt (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), thư viện ĐH là nơi cung cấp nguồn thông tin quan trọng nhất trong nhà trường. Thông tin từ thư viện đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất. Vì đó là những thông tin đã được sàng lọc qua nhiều khâu, hầu hết có cơ sở khoa học, được tích lũy và kiểm nghiệm qua thực tiễn. Để tận dụng thế mạnh của cuộc CMCN 4.0, các trường ĐH phải thay đổi về chất lượng, kết hợp hai phương thức đào tạo: truyền thống và trực tuyến. Trước đây sinh viên (SV) học ở trường, bây giờ học thông qua trực tuyến, SV đến lớp chỉ để tương tác với thầy, hỏi những gì các em chưa rõ. Trong điều kiện học như vậy, SV chỉ cần bật thiết bị là biết thầy ở các nước khác đang dạy gì. Do đó việc đào tạo lúc này không chỉ cho SV Việt Nam mà cho SV toàn cầu. Đứng trước những vấn đề đó, thư viện cần đổi mới chính mình, đổi mới nội tại, không chỉ với nguồn tài liệu đang có và tài liệu SV cần mà cần đổi mới phương thức phục vụ. Theo đó, thư viện ĐH phải xác định được vai trò cung cấp tri thức cho nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng trong cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, thư viện phối hợp chặt chẽ với các khoa học trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành đào tạo rõ ràng, trong đó chỉ rõ sự chuyển dịch của các ngành nghề cũng như nâng cao kỹ năng nhân lực. Phải có kế hoạch cụ thể cho từng SV trong việc cung cấp tài liệu, tư vấn, vạch định kế hoạch học tập trong từng học kỳ, năm học. Có kế hoạch cho SV tiếp cận doanh nghiệp để từ đó các em thấy mình thiếu cái gì, cần học cái gì để điều chỉnh hợp lý. Với vai trò quan trọng như vậy, TS. Đạt cho rằng cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư đổi mới công nghệ cho thư viện.

Cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động đến lĩnh vực quản lý thông tin – thư viện mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhân lực trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thanh Thủy (Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) khẳng định, hiện nay chất lượng ngành thông tin – thư viện Việt Nam còn cách khá xa với chất lượng nhân lực của hệ thống thư viện thế giới, đang đối mặt với những thách thức rất lớn trong vấn đề kỹ năng, định chế việc làm và những biến đổi công việc truyền thống trong bối cảnh hiện tại. Về vấn đề này, ông Hứa Văn Thành (Cán bộ thư viện Trường CĐ Sư phạm Huế) cho rằng IoT (internet kết nối vạn vật) dù có một số sáng kiến thành công, nhưng IoT trong thư viện vẫn còn là một khái niệm hơn là thực tế. Những trở ngại đối với sử dụng IoT trong các dịch vụ thư viện là tài chính và tổ chức.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Với những thư viện có tầm nhìn chiến lược, tiên phong trong việc sử dụng CNTT thì việc tiếp cận công nghệ trong thời đại 4.0 không quá khó khăn. Kinh nghiệm của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cho thấy, ngay từ năm đầu khi internet có mặt tại Việt Nam, thư viện này đã bắt đầu tiếp cận sử dụng máy tính PC và phần mềm để quản lý dạng sơ khai. Qua nhiều năm không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, cập nhật phần mềm quản lý mới, thu hút nguồn nhân lực có trình độ CNTT…, thư viện đã nhanh chóng xử lý nghiệp vụ, biên mục các tài liệu số hóa để vận hành thư viện số phục vụ độc giả. Theo đó, bạn đọc dễ dàng tra cứu thông tin ở mọi lúc mọi nơi bằng thiết bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet…

Được xem là một trong những mô hình thư viện điện tử đầu tiên trong cả nước, Trung tâm Học liệu và Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) bên cạnh những hoạt động nghiệp vụ thông tin thư viện còn chú trọng công tác nghiên cứu, phổ biến kiến thức đến người dùng như hướng dẫn kỹ năng thông tin cơ bản và nâng cao cho độc giả, chủ yếu là SV; lồng ghép nội dung kiến thức vào chương trình sinh hoạt chính trị đầu khóa cho SV, qua đó trang bị cho các em kỹ năng, kiến thức phục vụ học tập và nghiên cứu…

TS. Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chia sẻ, cuộc CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thông tin – thư viện. Thực tế, ngành quản lý đã có một số hoạt động mang tính thẩm định, xác định thư viện số là một trong những cốt lõi của thời đại 4.0. Thư viện ở thời kỳ này cần đáp ứng yêu cầu là tạo ra cho người đọc sử dụng thông tin mọi lúc, mọi nơi. Trước đây thư viện mang tính chất cung cấp đơn thuần việc đọc, mượn thì nay chuyển qua cung cấp thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò này tăng lên nhiều lần. Với sự tương hỗ của CNTT, chúng ta có thể cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu mới.

Bà Ngà cũng cho rằng, thực tế hiện nay nhiều thư viện dù đã xây dựng thư viện điện tử, số hóa nhưng chưa tự mở “hàng rào” hướng đến liên kết hệ thống, thư viện nào xây dựng được thì chỉ sử dụng trong thư viện đó. Do đó, bà Ngà mong muốn tất cả các thư viện có sự chung tay, xây dựng bộ sưu tập số có khả năng dùng chung, tạo nên sự chia sẻ để phục vụ cộng đồng và hình thành nên các dữ liệu lớn (Big Data).

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)