Những năm gần đây, cần sa được biết đến như một thú chơi phổ biến của một bộ phận giới trẻ ăn chơi. Chất ma túy dạng nhẹ này nằm trong danh mục cấm buôn bán, tàng trữ và sử dụng nhưng vẫn được dân chơi hút ở mọi chốn, mọi nơi.
Thanh niên “chuyên cần”
Đêm dần buông, theo chân K., sinh viên một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi đến một quán cà phê ở khu Miếu Nổi, quận Bình Thạnh. Quán không quá đông khách. Tiếng nhạc trẻ xập xình. K. lặng lẽ chọn một góc khuất. K. cho biết mình đã “gắn bó” với cần sa khoảng 2 năm gần đây. “Hút cần sa cũng nhiều dạng lắm. Người hút vì sở thích, người muốn đua đòi, thể hiện đẳng cấp, người cũng vì tò mò. Hồi đó, em chia tay người yêu nên mỗi tối hay lang thang cà phê cùng đứa bạn. Nó hút rồi em hút theo nên thành thói quen, cũng không hẳn là nghiện đâu nhưng thiếu cần sa cũng khó chịu lắm”, K. nói rồi lấy trong túi quần ra một gói nhỏ. “Em thường chuẩn bị “hàng” sẵn ở nhà rồi cho vào bao thuốc lá, ra quán là hút thôi. Hồi mới hút chỉ biết nó là cần sa, sau này mới nghe nhiều người còn gọi cần sa là “bồ đà”, “pin” hay “cỏ” nữa”.
Cần sa được K. chuẩn bị quấn vào giấy OCB để hút |
So với độ tuổi của mình, K. có vẻ chững chạc, từng trải. “Em chỉ hút ở bar một vài lần, bây giờ thì toàn tìm những quán cà phê vắng vẻ, yên tĩnh. Đi bar tốn kém quá. Nhiều thanh niên “chuyên cần” cũng chọn cà phê vắng vẻ như em thôi”, K. nói. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi nghe K. nói về những thanh niên “chuyên cần”, K. tiếp lời rồi cười vang: “Tụi em hay đùa với nhau rằng tụi mình là những thanh niên “chuyên cần” vì thói quen hút cần sa đó”. Tỏ ra sành sỏi, K. nhắm mắt lim dim, đầu lắc lư theo tiếng nhạc ở quán cà phê rồi chu miệng phả khói. Những vòng khói mờ ảo phả ra từ điếu cần sa K. đang hút. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cần sa có nhiều loại, nguồn gốc xuất xứ cũng khá đa dạng. Loại phổ biến nhất được giới ăn chơi hay dùng ở Việt Nam là cần sa của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. “Em thường xài cần Việt Nam, 1 bịch có giá 50.000 đồng thì xài được cho khoảng 3 điếu. Giá bình dân, hợp túi tiền sinh viên nữa. Có lần, em được đứa bạn cho hút thử “hàng” của Mỹ. Hút “phê” lắm nhưng giá “chát” quá”. K. bật mí: “Ban đầu, em toàn nhờ bạn mua “hàng” ở quận 4. Phải là khách quen thì người ta mới bán chứ người lạ thì còn lâu họ mới bán. Nếu không thì phải trả lời được ai là người giới thiệu. Giờ quen rồi nên chỉ cần alô một cú điện thoại là có người giao tận nơi”. K. lấy thêm ra một điếu rồi “rít” tiếp. “Ngoài cần sa là hơi khó mua chút xíu, còn những dụng cụ phục vụ cho việc hút cần sa như hộp đựng, giấy quấn, cối xay, điếu cày… thì được bày bán công khai hơn”, K. cho biết thêm.
Hiểm họa khôn lường
Hiện nay, đối với một số bạn trẻ trong giới ăn chơi, hút cần sa là điều hết sức bình thường. “Mốt” hút cần sa rộ lên cũng vì họ không phải khó khăn trong việc kiếm địa điểm để đi “đập” như đá, không phải cầu kỳ như hút shisha. Hơn nữa, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là đã có thể “thỏa mãn” thú chơi của mình. Với họ, hút cần sa không có gì khác biệt so với hút thuốc lá.
Thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về pháp luật, phần lớn trong số người sử dụng cần sa không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật và đang tự mình tàn phá sức khỏe với những hiểm họa khôn lường của cần sa. |
Trao đổi với chúng tôi về những tác hại của cần sa, BS Trần Văn Năm, Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết: “Thành phần chính của cần sa là chất D9 – tetra hydrocannabinol (D9 – THC), có tác dụng trên một số bộ phận của cơ thể như hệ nội tiết, hệ miễn dịch và đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Nếu sử dụng liều cao sẽ gây cảm giác bồn chồn, ảo giác hoang tưởng, mất khái niệm về thời gian, nhạy cảm với tiếng ồn, nhịp thở chậm, nhịp tim nhanh, thậm chí dễ bị sai khiến, gây tội ác. Lạm dụng chất ma túy trong cần sa sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Gây tình trạng nghiện ngập trong xã hội, mất ý chí và nghị lực phấn đấu, suy giảm thể lực, tăng tỉ lệ tội phạm và tội ác, đặc biệt là giới thanh thiếu niên”. Trong thực tế, không ít thanh niên khi “phê” cần sa đã dẫn đến bị ảo giác, đem tính mạng của mình để cược vào những trò đua xe, quậy phá, đâm chém nhau cũng vì thế.
Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cần sa là chất ma túy rất độc hại và nó được xếp vào danh mục I là danh mục “các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền” và có tác hại không hề thua kém heroin hay ma túy tổng hợp.
Bài, ảnh: Yên Hà
Kỳ tới: Tác hại khi hút shisha
Bình luận (0)