Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thú vui nguy hại của giới trẻ: Kỳ cuối: Tác hại khi hút shisha

Tạp Chí Giáo Dục

Dụng cụ hút shisha

Tổ chức Y tế thế giới và hội ung thư các quốc gia đã có những cảnh báo về việc hút shisha có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Thế nhưng, do không bị cấm và được cho rằng không độc hại, không gây nghiện nên hiện nay giới trẻ đang “bình thường hóa” thói quen hút shisha.

Quan niệm sai lầm

Một cán bộ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho biết, tình trạng giới trẻ hút shisha có chiều hướng gia tăng vì nó được “quảng cáo” là một loại thuốc lá không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đua đòi theo bạn bè và người khác nên nhiều bạn trẻ coi đây là “mốt” để tỏ vẻ “bản lĩnh” ăn chơi của bản thân. Không ít người vì tò mò mà hút shisha… thử cho biết. Chính vì thế, dù một lần hút giá không rẻ nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền ra để “thưởng thức” và sau nhiều lần thành thói quen nên rất khó bỏ. Vì đã được lọc qua bình nước giống như hút thuốc lào của người miền Bắc nên nhiều người cho rằng hút shisha không độc hại như thuốc lá hoặc các chất gây nghiện khác. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, nguyên liệu để hút shisha cũng được chế biến từ sợi thuốc lá nhưng tẩm ướp thêm các loại hương liệu khác nhau như đào, táo, dâu. ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khẳng định, quan niệm cho rằng hút shisha không ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không đúng: “Rất nhiều người lầm tưởng hút shisha là không độc hại vì đã được lọc qua bình hút nhưng thực tế không phải như vậy”. Theo BS Phương, do cấu tạo bình hút chứa nước giống như điếu hút thuốc lào nên người hút có cảm giác an toàn giả tạo và nghĩ vậy là vô hại. BS Phương khẳng định: “Hơi nước chỉ làm cho khói shisha có vị dịu mát để hấp dẫn người hút mà thôi chứ không loại bỏ được các độc tố của thuốc”. Các  thí nghiệm nghiên cứu cũng đã đưa ra kết quả, một phiên hút kéo dài 1 tiếng đồng hồ trong phòng kín và chật chội thì người hút một lượng khói từ 100 đến 200 lần so với hút một điếu thuốc lá, xấp xỉ với 0,5 lít khói độc.

Vì được chế biến từ nguyên liệu thuốc lá nên shisha cũng có những chất độc hại như nicotin gây nghiện vì kích thích thần kinh, tạo cảm giác sảng khoái cho người dùng. Lượng nicotin trong một phiên hút shisha cao gấp gần 2 lần so với hút thuốc lá. Hút shisha nhưng ít ai biết rằng nồng độ của khí CO có trong khói shisha cao gấp 4 lần so với khói thuốc lá. Đây là loại khí thải trong khói xe máy, ô tô rất độc hại vì làm cho ôxy trong máu bị thiếu hụt không đủ điều kiện nuôi các bộ phận trong cơ thể nên rất nguy hại và có thể dẫn đến tử vong nếu quá lạm dụng.

Độc hại từ khói shisha

Người ta cũng tìm thấy trong khói shisha có chứa nhiều kim loại nặng, khi hít vào cơ thể lâu ngày sẽ sinh ra bệnh bụi phổi, suy gan, suy thận và ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nguy hại hơn, các chất thơm trong khói shisha còn có nguy cơ gây ung thư tế bào trong cơ thể người. Chính vì thế, các bệnh viện đã tổng kết, người hút shisha có nguy cơ ung thư phổi gấp 4 đến 5 lần người bình thường. Ung thư thanh quản, các loại ung thư vòm miệng như ung thư tuyến nước bọt, ung thư lưỡi là căn bệnh thường phổ biến ở những người quanh năm làm bạn với shisha. Cũng giống như thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói shisha liên tục dễ làm cho cơ thể mắc các chứng bệnh về răng miệng, hô hấp như viêm họng, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản hoặc hen phế quản. Các BS khẳng định, khói shisha luôn làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, làm hẹp động mạch vành nhồi máu cơ tim và dẫn đến đột quỵ. Hít khói shisha cũng ảnh hưởng đến thần kinh như các bệnh lý tâm thần, người hút bị trầm cảm, rối loạn hành vi. Không chỉ gây ảo giác mà người dùng còn phạm tội do thiếu kiềm chế nhất là với giới trẻ.

“Trong lúc ngành y tế đã vận động phong trào không hút thuốc lá, thế nhưng các quán nước lại cổ súy khách hút shisha, như vậy là đi ngược lại cuộc vận động toàn dân nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người. Nếu thiếu kiểm soát thì những nơi tụ tập hút shisha còn tạo cơ hội để chủ quán tuồn các chất gây nghiện khác, mà nguy hại nhất là các loại ma túy để đầu độc giới trẻ” – BS Vũ Đình Sơn – Trưởng phòng Y tế Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM cảnh báo.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)