Sáng nay 25.7, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm khu vực phía Bắc.
Ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y thừa nhận thực trạng đáng báo động: lực lượng thú y chưa kiểm soát được các lò giết mổ nhỏ lẻ.
Theo ông Đông, tại 12 tỉnh, thành trọng điểm phía Bắc, hiện có 11.544 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm.
Giết mổ heo trên sàn nhà, rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm… |
Tuy nhiên, chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,51% trong khi có tới 11.485 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Thậm chí, tại một số địa phương, như Bắc Giang chẳng hạn, giết mổ lưu động vẫn tồn tại, các “đồ tể” đến tận gia đình người nuôi heo để cắt tiết, làm lông.
Điều đáng nói, lực lượng thú y hiện mới chỉ kiểm soát được 929 cơ sở, điểm giết mổ, chiếm tỷ lệ quá nhỏ, khoảng 8,05%.
… nhưng vẫn được nhân viên thú y đóng dấu – Ảnh: Q.Duẩn |
Tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thậm chí là giết mổ tập trung, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt các sai phạm về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm: cắt tiết làm lông trên nền nhà, người giết mổ đi lại trên đống thịt, nước thải lênh láng, máu me bê bết rất mất vệ sinh, ông Đông cho biết.
Theo ông Đông, tình trạng đóng dấu thú y ngay tại chợ vẫn diễn ra phổ biến, không chỉ vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ, không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn “tạo điều kiện” cho các lò mổ chui, lò mổ nhỏ lẻ có “đất” để sống.
Chưa hết, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, tại các lò mổ có thú y kiểm soát nhưng việc kiểm soát lại chưa được chặt chẽ, nếu không muốn nói là đang bị buông lỏng.
“Tôi đi kiểm tra, người ta mổ heo ngay trên sàn nhà, rất mất vệ sinh nhưng thú y viên vẫn đóng dấu, cấp "giấy thông hành" cho các sản phẩm này lưu thông trên thị trường”, bà Thu nói.
Chính vì những “lỗ hổng chết người” nêu trên, thịt gia súc, gia cầm giết mổ tại các điểm, cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn ngang nhiên lưu thông trên thị trường, trở thành các món ăn trên mâm cơm của nhiều gia đình.
Quang Duẩn (TNO)
Bình luận (0)