LTS: Anh Hữu Tâm, hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoctoral) ở Mỹ đã gửi đến tòa soạn những bức xúc của mình khi trải qua quãng đường gian nan xin nhập học cho con ở Việt Nam. Xin giới thiệu để độc giả theo dõi và chia sẻ.
Tôi được một suất học bổng đi học Tiến sĩ ở Ấn Độ. Vì điều kiện gia đình, tôi mang cháu sang Ấn Độ từ lúc 3 tuổi. Mặc dù ở Ấn Độ trường dạy bằng tiếng Anh, nhưng chúng tôi cũng mang theo sách học của Việt nam để dạy cháu thêm vì sợ sau này về nước cháu không theo kịp.
Tôi hoàn thành luận án cũng là lúc cháu học hết lớp 2. Ở Ấn Độ, học sinh bắt đầu đi học vào đầu tháng 4 và kết thúc năm học vào cuối tháng 3. Về nước vào cuối tháng 3, tôi nhờ cô giáo gần nhà dạy thêm tiếng Việt cho cháu.
Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị đó dường như chưa đủ. Tôi phải trải qua hành trình gian nan, đầy bức xúc khi đi xin học cho con.
|
Số giấy tờ anh Tâm cần để xin cho con nhập học ở Việt Nam.
|
Bài 1: Nỗi khổ học bạ bằng tiếng Anh
Trước khi về Việt Nam, tôi đã đến trường con tôi học để hỏi xem những học sinh trước đây chuyển trường thì cần những giấy tờ gì và họ bảo chỉ cần học bạ và một giấy chuyển trường là đủ. Thế nhưng khi về nước, tôi mới biết đó là những thứ cần thôi chứ không đủ!
Tôi đem học bạ đến Phòng Công Chứng số I để dịch ra Tiếng Việt, họ yêu cầu phải có xác nhận của Đại Sứ quán Ấn Độ và có đóng dấu Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam vào trong học bạ.
Tôi đến Lãnh Sứ quán Ấn Độ ở TP. HCM (nơi tôi làm việc), sau một thời gian chờ đợi, tôi được nhân viên ở đây trả lời rằng, họ không làm chức năng này. Tôi nói với họ, như vậy con tôi sẽ không đi học được. Anh nhân viên có lẽ cũng nghĩ đến vấn đề nghiêm trọng, nên gọi điện hỏi ai đó. Sau đó anh ta nói rằng, muốn như vậy thì phải có giấy chứng nhận của Đại Sứ quán Việt nam tại Ấn Độ là con tôi đã học tại trường đó.
“Chẳng lẽ con tôi không thể đến trường?”, câu hỏi này cứ ám ảnh tôi. Vì như tôi biết, các Sứ quán làm gì có người đi xác minh xem có đúng là học sinh này đã học lớp 1 và 2 tại trường nào đấy không.
Cũng may, tôi có người bạn làm ở Đại Sứ quán Việt Nam tại New Delhi. Anh bạn rất bất ngờ khi tôi gọi điện trình bày sự việc nhưng cũng tận tình giúp đỡ, và sáng hôm sau tôi đã có giấy chứng nhận gửi bằng fax và email có đóng dấu của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, rằng con tôi đã học ở trường đó lớp 1 và lớp 2.
Tôi mang tất cả giấy tờ cần thiết, kể cả Hộ chiếu và Thị thực, để chứng minh là tôi và con tôi đã ở Ấn Độ trong thời gian con tôi đi học. “Như vậy là chắc ăn rồi”- tôi nghĩ. Khi gặp lại anh nhân viên hôm trước, anh ta bảo tôi đi photo 3 bản vì trong sứ quán không có máy photocopy.
Tuy nhiên, khi quay lại, anh ta lại có việc đi đâu đó nên tôi phải đợi rất lâu mới gặp được anh ấy. Anh ta bảo rằng lúc sáng quên nói với tôi là, theo quy định của Sứ quán, tôi phải trả mười mấy đôla cho mỗi con dấu, nghĩa là gần hai trăm nghìn tiền Việt nam. Như vậy với 2 học bạ và một giấy chuyển trường, tôi phải đóng hơn 500.000 đồng. Sau một chút do dự, tôi quyết định đóng số tiền đó và anh ta đóng dấu, viết biên nhận.
Tôi cầm tất cả giấy tờ về cơ quan để “khoe” với mọi người. Vấn đề bây giờ là phải ra công chứng, nghe đâu phải đợi đến mấy ngày. Có một chị bạn cùng cơ quan "mách nước" bằng cách giới thiệu người quen bên Sở Tư pháp để giúp tôi. Sau khi điện thoại, tôi đến Sở Tư pháp và tiếp tục được giới thiệu đến một người làm ở phòng công chứng số IV (quận Tân Bình). Tôi hy vọng sẽ có bản dịch và công chứng nhanh chóng để xin cho con tôi đi học.
Cũng trong những ngày này, tôi đang làm Visa để đến Mỹ làm nghiên cứu sau Tiến sĩ (postdoctoral). Cơ quan ở Mỹ họ đồng ý làm giấy tờ cho cả gia đình tôi, nhưng tôi lại muốn con tôi ở lại Việt nam học để cháu biết tiếng Việt và hiểu về đất nước, không thì sau này sợ cháu sẽ mất gốc.
Tôi đến Phòng công chứng số IV và gặp được người mà tôi cần gặp. Sau một hồi xem xét giấy tờ, chị nhíu mày lại. “Lại có vấn đề rồi” – tôi nghĩ. Và quả đúng như vậy, chị đem giấy tờ, nói rằng Ấn Độ và Việt Nam chưa có thỏa thuận hay gì đó (tôi không nhớ chính xác lắm, vì lúc này đầu óc tôi đã quá sức chịu đựng rồi). Theo hướng dẫn của chị thì cần phải có thêm 3 con dấu nữa để hợp thức hóa 3 con dấu của Lãnh Sứ quán Ấn độ.
Để làm được điều này, cần phải đến Sở Ngoại Vụ để xin con dấu. Chị cũng nhắc tôi là một con dấu cũng đóng chừng đấy tiền như ở Lãnh Sứ quán Ấn Độ, để tôi nhớ đem theo.
Than ôi! con tôi mới học có lớp 2 phải cần đến những con dấu – mà mới nghe thì cứ nghĩ là đang làm giấy tờ để nhận nhiệm vụ tại Liên Hợp quốc!!!
Tôi thất vọng vô cùng, đầu óc lo lắng, chẳng lẽ “không thể", chẳng lẽ "con tôi không được đến trường”. Tôi hỏi địa chỉ Sở Ngoại vụ, nhiều người không biết. Mà chính tôi hơn 10 năm công tác tại Viện khoa học Việt Nam mà còn chưa biết nó ở đâu cả. Tôi chạy tà tà trên đường, gặp ai tôi cũng hỏi. Thế rồi tôi đi ngang qua Phòng công chứng số I (đường Paster), tôi nhớ mang máng là lần đầu tiên tôi đến đấy, cái ông có cái bộ mặt rất khó chịu chỉ đòi con dấu của Lãnh Sứ quán Ấn Độ thôi.
Tôi hy vọng ông ta quên hoặc không biết cái giấy tờ gì đó mà chị ở Phòng Công chứng số IV lấy ra để yêu cầu tôi phải tìm Sở Ngoại Vụ. Và rồi Chúa cũng giúp tôi! Với vẻ mặt hằm hằm, ông ta ghi ghi gì đó rồi bảo sang đóng tiền. Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Hai ngày sau, tôi có bản dịch học bạ bằng Tiếng Việt.
Ôi chao! Không ngờ học bạ của học sinh tiểu học lại phải dịch ra Tiếng Việt, mà nó lại nhiêu khê đến như vậy. Chẳng lẽ ở Trường, Phòng, Sở không ai đọc được tiếng Anh? Trong khi bây giờ trường nào cũng có giáo viên Tiếng Anh cơ mà.
Tôi nghĩ, chắc không có nơi nào trên thế giới làm như Việt Nam chúng ta đâu. Thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục, có phải Bộ trưởng qui định như vậy không?
Hữu Tâm (Vietnamnet)
Tin liên quan
Xây dựng môi trường học tập xanh và sáng tạo đã trở thành định hướng quan trọng của nhiều trường mầm non...
Trong thời gian qua, công tác y tế học đường tại các trường học đã được chú trọng nhằm đảm bảo vai...
Hiện nay, ở trường phổ thông, nhất là trường tiểu học, giáo viên chịu khá nhiều áp lực không chỉ do công...
Nghe chính là một “kênh” tiếp nhận thông tin quan trọng của con người, đó cũng chính là nguồn cung cấp cho...
Bình luận (0)