Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Sự thật về ngôi làng bị “bỏ quên” gần 30 năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gần đây dư luận trong tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xôn xao về chuyện có một ngôi làng ở xã Hồng Thuỷ, huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) gần 30 năm bị bỏ quên, không chịu sự quản lý hành chính của đơn vị nào.

Các cơ quan chức năng có liên quan, tỉnh Thừa Thiên – Huế và chính quyền xã Hồng Thuỷ, chính quyền huyện A Lưới đã làm rõ sự thật về ngôi làng bị “bỏ quên” này và đang tích cực thực hiện các biện pháp thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong làng phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 
Sự thật về ngôi làng này ra sao? Ông Hồ On, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Qua kiểm tra, rà soát tại vùng Pâr Ay thuộc xã Hồng Thuỷ (huyện A Lưới) cho thấy có 17 hộ dân người dân tộc Pa Cô với 88 khẩu đã được đăng ký hộ khẩu tại 3 xã lân cận là Bắc Sơn, Hồng Kim và Hồng Vân. Họ vào đây sinh sống, với tính chất du canh, du cư, hộ đến lâu nhất từ năm 1984 và mới nhất từ năm 2008. 
Trong đó, có 14 hộ với 75 khẩu vẫn có nhà ở, đất ở và đất sản xuất tại địa phương, vẫn được hưởng lợi từ các chương trình 134, 135 về bố trí đất định canh định cư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà tình nghĩa và các chế độ trợ cấp bảo hiểm y tế- giáo dục khác… Còn lại 3 hộ, 13 khẩu của bố con ông Quỳnh Phê do tự ý bỏ địa phương nhiều năm vào đây canh tác, phát triển sản xuất chăn nuôi, ở tại chỗ, con cái suốt ngày ở trên nương rẫy không có điều kiện đi học. 
Được biết, vùng khe Pâr Ay thuộc xã Hồng Thuỷ (huyện A Lưới) từ trước năm 1975 là nơi cư trú, làm ăn sinh sống của một số hộ dân các xã Hồng Vân, Hồng Thuỷ, Bắc Sơn… Sau năm 1975, thực hiện công tác định canh định cư, bà con đã làm ăn sinh sống ổn định dọc tuyến đường Hồ Chí Minh theo địa bàn từng xã. Nhiều hộ trở lại vùng đất này do ở đây có diện tích đất trống, đồi trọc còn khá lớn, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ với tầng đất canh tác dày, độ phì cao rất phù hợp phát triển trồng trọt, chăn nuôi… nhưng đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, theo mùa vụ. Sau từng vụ thu hoạch, họ lại trở về địa phương sinh sống và chờ đến mùa rẫy năm sau. 
Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Đối với những hộ dân có nguyện vọng ở lại sẽ được bố trí đất ở, đất canh tác tại khu vực dân cư gần đó và sớm làm thủ tục nhập hộ khẩu tại xã Hồng Thuỷ. 
Trước mắt, tỉnh sẽ mở một con đường vào vùng khe Pâr Ay tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác mùa vụ của người dân nơi đây… 
Quang Ngọc –  TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)