Ông Phạm Đình Thắng -Ảnh: Hà Hương |
Dự thảo "Thông tư quy định hoạt động trình diễn thời trang" do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch soạn thảo đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Sau bài báo "Khổ do luật không rõ nghĩa" (Tuổi Trẻ ngày 20-6), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM ÐÌNH THẮNG – trưởng Phòng quản lý tổ chức biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu ca nhạc, Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên ban soạn thảo thông tư.
* Tại khoản 1 và 2, điều 4, chương 1 của dự thảo có đề cập những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trình diễn thời trang như: "Trình diễn thời trang có nội dung và hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của VN hoặc pháp luật cấm phổ biến, quảng cáo trước công chúng; các hình ảnh kiểu dáng chất liệu trên trang phục, trang sức có tính chất kích dục, phản động". Một số ý kiến cho rằng nhiều thuật ngữ trong dự thảo như "trái với thuần phong mỹ tục" khá mơ hồ?
– Cụm từ "thuần phong mỹ tục" thể hiện trên tất cả các văn bản pháp luật VN có gì đâu mà phải làm rõ. Thuần phong mỹ tục là điều rất cơ bản, tất cả những hoạt động trái với thuần phong mỹ tục của VN đương nhiên không được phép.
* Các cơ quan văn hóa cơ sở sẽ lấy tiêu chí nào để đánh giá một chương trình biểu diễn có trái với thuần phong mỹ tục hay kích dục, phản động, thưa ông?
– Hội đồng các sở văn hóa sẽ có các tiêu chí riêng phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của từng địa phương. Hội đồng xét duyệt sẽ xây dựng một tiêu chí riêng đánh giá cái đó. Còn bộ không xây dựng một tiêu chí cụ thể để áp dụng cho tất cả các địa phương. Tất cả những tiêu chí đó phải tuân theo các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với văn hóa từng địa phương.
Trình diễn trang phục như thế nào thì trái với thuần phong mỹ tục? Trong ảnh: người mẫu trình diễn trong một buổi giới thiệu sản phẩm tại một khách sạn – Ảnh: T.T.D. |
* Hiện tại một công ty hay nhà thiết kế có được phép tổ chức một buổi trình diễn thời trang giới thiệu bộ sưu tập nội y, áo tắm không?
– Dự thảo chưa đề cập đến những vấn đề này. Ðây là một vấn đề nhạy cảm và cần có thời gian nghiên cứu nên ban soạn thảo chưa đưa vào dự thảo lần này. Chưa đề cập đến thì có nghĩa là chưa cấm.
* Phản hồi của sở văn hóa thể thao và du lịch các tỉnh sau khi nhận được dự thảo?
– Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ bản là đồng tình với dự thảo của cục, chỉ có một số ý kiến góp ý để văn bản dự thảo càng thêm hoàn chỉnh hơn thôi. Ban soạn thảo đang tổng hợp ý kiến của các sở VH-TT&DL. Sau khi chỉnh sửa bổ sung sẽ tiến hành trình lên các cơ quan chuyên môn, lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, từ đó mới chính thức trình dự thảo cho Bộ VH-TT&DL xét duyệt. Quy trình này dự kiến hoàn thành cuối năm 2009.
HÀ HƯƠNG thực hiện (Theo TTO)
Tính chuẩn mực cho hành động Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội chủ yếu bằng luật, nghĩa là bằng văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản pháp quy (VBPQ). Đặc trưng chủ yếu của VBPQ là tính chuẩn mực cho hành động, nghĩa là khi đọc xong thì đối tượng được điều chỉnh biết được rành mạch và dễ hiểu rằng mình phải làm gì để đúng luật và làm thế nào để khỏi vi phạm luật, đồng thời khi có tranh chấp, vi phạm thì cơ quan giải quyết hay xét xử cũng áp dụng chính xác, không thể tùy tiện, lạm quyền hay thiếu nhất quán, cho dù là ở Cà Mau hay Lạng Sơn cũng phải hiểu giống nhau và áp dụng như nhau (theo cách hiểu của V. I. Lenin về pháp chế xã hội chủ nghĩa). Một VBPQ không đạt tiêu chuẩn như vậy thì không phải là VBPQ hoặc là VBPQ được soạn thảo kém, hoặc người soạn thảo hay ban hành không biết những điều như trên. VBPQ tốt thường không cần văn bản hướng dẫn đã có thể thực hiện, trừ những quy phạm về kỹ thuật hay có phạm vi điều chỉnh rộng thì có thể phải có phụ lục đính kèm. Một nền lập pháp tốt rất hạn chế văn bản hướng dẫn dưới luật, hay dưới-cả-dưới-luật, ví dụ như là bởi các bộ, ngành, cục, vụ, chính quyền tỉnh, huyện, xã. Cách quy định với những yêu cầu trừu tượng như “cấm nội dung và hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục”, “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức” hay “không được có tính chất kích dục, phản động” (*) mà không kèm theo định nghĩa, không quy định thêm chi tiết, hướng dẫn thêm tiêu chí khách quan thì không đạt yêu cầu VBPQ, hậu quả có thể nguy hiểm hoặc phản tác dụng, chí ít cũng dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền, tạo ra xung đột giữa dân và cơ quan nhà nước. Ví dụ: cấm ăn mặc, biểu diễn “kích dục” mà không có chi tiết cụ thể hay tiêu chí khách quan thế nào là kích dục thì dân không tuân thủ được và Nhà nước không xử được, vì hậu quả kích dục có yếu tố chủ quan của người bị tác động, theo kiểu “bát phở có thể mặn với người này mà lạt với người kia”. Còn khi đã có tiêu chí, chuẩn mực khách quan thì hễ đủ yếu tố là vi phạm, “mặn lạt” là để “lượng hình” mà thôi. Cần lưu ý rằng kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị, nước ta thành lập chế độ dân chủ cộng hòa, theo đó thì dân là chủ thể của quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử theo hiến pháp, nhân dân lập ra và trao cho Nhà nước ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để hành xử phục vụ lợi ích của nhân dân, bảo đảm các quyền hiến định của nhân dân. Nếu lập pháp kém, hành pháp tùy tiện, tư pháp méo mó thì đó là vi hiến và kém dân chủ. Cũng tương tự như nhân dân và doanh nghiệp là chủ thể quyền lực, người tạo ra của cải vật chất cho xã hội và đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước (theo học thuyết nhà nước của Marx, Engels và Lenin) mà lại bị cán bộ nhà nước sách nhiễu thì đó là vi hiến và phản dân chủ. Tôi tin là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp sẽ không đồng tình với kiểu VBPQ như vậy. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA |
Bình luận (0)