Mục đích trên hết của việc gìn giữ “thuần phong mỹ tục” là hướng đến một xã hội văn minh,có quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ, chứ không phải tạo ra những vòng kim cô để tự giam hãm mình.
“Thuần phong mỹ tục”? Đương nhiên phải có…
Cụm từ “thuần phong mỹ tục” xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý văn hóa.
Thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh, những quy chuẩn xã hội nào cũng phải có. (Thuần: Tinh rặt một thứ, không lẫn chất khác, thành thật, tốt đẹp. Phong: lề thói. Mỹ: đẹp. Tục: thói quen). Vì thế, gìn giữ “thuần phong mỹ tục” là việc đương nhiên xã hội nào, dân tộc nào cũng phải làm để tạo nên tính đặc trưng, luật lệ và văn hóa riêng, để hướng đến một xã hội văn minh, có quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ.
Thế nhưng, sự quản lý “thuần phong mỹ tục” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không hình thành những tiêu chí rõ ràng, lệ thuộc vào góc nhìn, và đôi khi phụ thuộc vào những quan điểm cá nhân. Nhà quản lý nhiều khi rơi vào tình huống lúng túng; nghệ sĩ bế tắc, khó xử vì bản án “thuần phong mỹ tục” mơ hồ, nhiều khi hơi có phần duy ý chí, cứng nhắc, giáo điều.
Cảnh trong phim Khi tôi 20 |
Đặc biệt trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, cái cách chúng ta đang làm giống như tự khoanh một vùng “chết” cho sáng tạo, một “vòng kim cô” cho nghệ sĩ, rồi lại vùng vẫy cay đắng nhìn mình cô lập trong sự phát triển xung quanh.
Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian cân nhắc, lật lên lật xuống những quan điểm về nghệ thuật khỏa thân. Các nhà quản lý rụt rè vừa muốn đưa tay ra với nghệ thuật khỏa thân, lại vừa e ngại không muốn trở thành người xóa bỏ chiếc vòng kim cô đó.
Nghệ thuật khỏa thân đã tồn tại trên thế giới bao đời, và cũng xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí, tranh ảnh tại Việt Nam, nhưng những cuộc triển lãm vẫn bị từ chối. Gần đây nhất là triển lãm của nữ nhiếp ảnh gia Kim Hoàng.
Lý do từ chối cấp phép của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đưa ra cũng là “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Thực tế là ảnh của Kim Hoàng chỉ chụp cận cảnh các đường nét cơ thể như tay, cằm, ngực, bụng… Nếu xét theo cách cứng nhắc như vậy, rất nhiều bức ảnh đoạt giải của ta đã vi phạm “thuần phong mỹ tục” khi chụp các bà già Tây Nguyên cởi trần, cô gái tắm suối…
Ông Trần Mạnh Cường – Trưởng phòng quản lý nghệ thuật biểu diễn – Sở Văn hoá- Thông tin Hà Nội đã từng đưa ra một ví dụ đáng suy nghĩ: Một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp bộ tộc người Tây Nguyên để ngực trần. Luật của bộ tộc này khi đã có con thì phụ nữ để ngực trần. Như vậy đứng về mặt phong tục thì không thể nói rằng “trái thuần phong mỹ tục”.
Nhưng còn những giá trị thẩm mỹ đích thực?
Chúng ta quá cẩn thận với những tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đó, những hình ảnh phản cảm nhất trong một xã hội văn minh như “tưới cột điện” “phi nước bọt”… lại không được xử lý thật quyết liệt, khiến nó vẫn tồn tại hàng ngày như một phần của cuộc sống.
Có thời gian, trên tường các gia đình, cơ quan treo đầy lịch các cô người mẫu mặc bikini lồ lộ. Nếu chiếu theo lăng kính “thuần phong mỹ tục” các cô còn hớ hênh hơn rất nhiều người mẫu trong các ảnh khỏa thân, vốn đã được nghệ sĩ thể hiện qua những góc nhìn tinh tế.
Nếu xét theo cách cứng nhắc, rất nhiều bức ảnh đoạt giải đã vi phạm |
Bản án “không phù hợp với thuần phong mỹ tục” luôn treo lơ lửng trên đầu nghệ sĩ. Sự ức chế trong một tâm lý sáng tác chật hẹp khiến ý tưởng sáng tạo của họ chưa ra đời đã bị triệt tiêu bởi sự hoang mang. Đâu là ranh giới giữa “phù hợp” và “không phù hợp”? Có lẽ chính các nhà quản lý cũng khó đưa ra tiêu chí rõ ràng.
Nếu không có cú “bứt phá” của Cục điện ảnh, sự kiên trì của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, điện ảnh Việt cũng không có tác phẩm như Sống trong sợ hãi. Để trình làng được tác phẩm này, Bùi Thạc Chuyên cũng khổ sở không ít với cụm từ “thuần phong mỹ tục”. Ngay cả khi bộ phim được công chiếu, cụm từ này vẫn được dư luận đề cập khá gay gắt.
Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di mới đây cũng than vãn anh đang khổ sở vì “bản án” trên. Di nói anh được BTC LHP Venice mời dự, sau khi lựa chọn phim ngắn Khi tôi 20 của anh từ 1400 phim ngắn được gửi đến trên toàn thế giới. Đây là cơ hội hiếm có vì chỉ có 18 phim được lọt vào vòng tranh giải. Khu vực Châu Á có phim của Di và một phim Trung Quốc. Thế nhưng khi làm thủ tục gửi phim đi thì Di được một gáo nước lạnh từ Hội đồng duyệt phim quốc gia: phim vi phạm “thuần phong mỹ tục” và không cho gửi đi.
Khi tôi 20 là cái nhìn trần trụi về cách sống của một bộ phận giới trẻ… Chuyện phim không khác so với những gì xuất hiện khá thường xuyên trên mặt báo. Phim có một cảnh sex, nhưng xét về độ “khủng” cũng cỡ như Sống trong sợ hãi, Đầm hoang, Cô gái trên sông… những phim đã được công chiếu rộng rãi, thậm chí không phô như Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu. Một bên là sự gìn giữ “thuần phong mỹ tục” duy ý chí, một bên là cơ hội tuyệt vời, lựa chọn bên nào hơn?
Cũng như có lúc nhà tổ chức và các thí sinh hoa hậu hoang mang với điều khoản: phải có gương mặt thuần Việt trong Quy chế thi hoa hậu. Thế nào là “mặt thuần Việt” và tại sao “không thuần Việt” lại bị ghét bỏ, trong khi cái đẹp luôn có một giá trị chung? Một mặt chúng ta vừa muốn người đẹp Việt giành được vị trí cao trên đấu trường quốc tế, nhưng lại tự khoanh vùng đẩy mình xa khỏi tiêu chí quốc tế, bó hẹp cơ hội cho mình.
Cũng như xu hướng hội nhập dù muốn dù không cũng đang cuốn chúng ta vào, chúng ta không thể duy ý chí bắt buộc công chức, lãnh đạo phải đội áo the khăn xếp thay cho vestton, váy đầm. Sự du nhập văn hóa ấy là không thể tránh khỏi khi thị trường nhan nhản phim Mỹ; Pop, Rock, Hiphop… được giới trẻ mê đắm; khi các cửa hàng băng đĩa lậu mọc lên như nấm không thể kiểm soát; khi Internet ngày càng xóa nhòa mọi biên giới; và trong khi chúng ta đang nỗ lực hết sức để rút ngắn bớt sự tụt hậu so với các bạn?
Ngay cả những nước rất chặt chẽ đối với văn hóa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ vẫn giữ gìn được bản sắc nhưng vẫn tiếp thu văn hóa phương Tây. Còn ta thì sao?
Công chúng đủ nhạy cảm thẩm mỹ để lựa chọn cái đẹp. Họ không đến với nghệ thuật chỉ vì tò mò những thứ trần trụi. Ngay ở nước phóng khoáng như Mỹ các màn “khoe hàng” thô thiển cũng bị cộng đồng phản ứng. Các nghệ sĩ đủ thông minh để không tự hủy hoại danh tiếng và đẩy mình vào vị thế “rẻ tiền”, có chăng vấn đề nằm ở chỗ họ chưa tạo được lòng tin nơi những nhà quản lý mà thôi.
Đương nhiên, việc “cầm cương” để đảm bảo những quy chuẩn về đạo đức và thẩm mỹ xã hội là việc phải làm. Nhưng bên cạnh đó có lẽ các nhà quản lý cũng cần cân nhắc những giá trị thực. Chỉ khi nào những sáng tạo đầy tính thẩm mỹ được trân trọng, những sản phẩm tinh thần giá trị được đặt đúng vị trí, khi ấy ta mới mong có được một xã hội văn minh, toàn diện.
Hoàng Hường (vietnamnet)
Bình luận (0)